Bài học cảnh tỉnh

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ vi phạm có lẽ là chủ đề không bao giờ giảm tính thời sự. Những ngày này, dư luận đang tiếp tục “nóng” lên cùng với việc TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra trong thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG.

Bị cáo Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và 12 đồng phạm bị xét xử liên quan đến 3 tội danh: “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”; “Nhận hối lộ” và “Đưa hối lộ”.
Ngay từ khi vụ việc này được phát giác, dư luận đã không khỏi giật mình khi kết luận điều tra được cơ quan bảo vệ pháp luật công bố với số tiền qua lại giữa quan chức và DN trong một nhóm lợi ích khá lớn. Trong thương vụ này Nhà nước được xác định là bị thiệt hại tới hơn 6.500 tỷ đồng.
Nhưng đáng nói hơn là số tiền các bị cáo nhận hối lộ từ nhóm cổ đông AVG, trong đó, riêng cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã nhận hối lộ lên tới 3 triệu USD - lớn nhất từ trước tới nay. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp nước ta các bị cáo trong một vụ án thừa nhận hành vi nhận hối lộ với số tiền lớn đến như vậy...
Dù biện minh với hình thức nào, từ vụ việc ấy, nhiều ý kiến đã nhìn nhận, ở vị trí “thuyền trưởng” một bộ, những người cán bộ này hơn ai hết hiểu và hiểu rõ những gì được làm, những gì không được làm, những gì có lợi cho dân, cho nước. Biết sai vẫn làm, đó là biểu hiện của sự suy thoái, mưu cầu; lợi ích cá nhân đã làm cho quyền lực Nhà nước bị tha hóa.
Vì những động cơ khác nhau mà bao trùm lên trên là lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, họ đã cố ý thực hiện hành vi làm trái quy định của Nhà nước, vi phạm pháp luật.
Việc xử lý kỷ luật nghiêm khắc, đưa các vụ việc ra xét xử công khai là việc làm kịp thời và minh bạch của Đảng, Nhà nước trong việc cương quyết xử lý nghiêm cán bộ các cấp có vi phạm, khuyết điểm, dù ở cấp nào, kể cả cấp cao đương chức và về hưu, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, không ai có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật.
Mỗi lần cán bộ vi phạm bị kỷ luật, bị ra tòa như vụ việc lần này cũng là một lần cảnh tỉnh chúng ta về tình trạng tha hóa trong sử dụng quyền lực. Nhìn lại những vụ việc vừa qua có thể thấy, chỉ trong 4 năm qua, đã có hơn 70 cán bộ cấp cao, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, cả tướng lĩnh an, quân đội đã bị xử lý, kỷ luật, vướng vòng lao lý.
Từ những hình ảnh các bị cáo, những người đã từng giữ những trọng trách quan trọng giờ phải đứng trước tòa, mới thấy rằng con đường từ đỉnh cao quyền lực đến ngục tù tăm tối cũng không phải là xa nếu họ đánh mất mình trước những cám dỗ vật chất. Đồng thời, qua đây cũng cho thấy, vẫn tồn tại lỗ hổng trong công tác kiểm soát quyền lực, buông lỏng trong việc kiểm tra, giám sát, giáo dục cán bộ, để những người có chức, có quyền dễ dàng thực hiện các hành vi vi phạm nhằm thỏa mãn lợi ích cá nhân. Họ phê duyệt các chương trình, dự án đầu tư; đề ra các chủ trương thiếu minh bạch; điều hành, quản lý mập mờ... nhằm thu lợi cho bản thân, cho một nhóm lợi ích.
Vụ án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG được đưa xét xử công khai, tội danh của hai cựu bộ trưởng và những người liên quan sẽ được làm rõ, chắc chắn những bản án nghiêm minh sẽ được quyết định trên tinh thần đúng người, đúng tội.
Hy vọng rằng, việc xử lý được làm cương quyết và mạnh mẽ, tiếp tục mở ra những tín hiệu tích cực trong công cuộc đấu tranh với tiêu cực từ trên xuống dưới và cũng thực sự tạo nên một “bài học cảnh tỉnh” cho tính gương mẫu, trung thực và tự tu dưỡng bản thân của mỗi cán bộ, đảng viên trong sử dụng quyền lực.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần