Bởi những mốc thời gian được định rõ, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác từng dự án cũng được chỉ ra với yêu cầu xử lý nghiêm. Đây cũng là bài học đắt giá cho các cấp, các ngành trong việc đầu tư, quản lý và khai thác nguồn lực Nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Dự án nghìn tỷ thua lỗ, gây lãng phí là một trong những vấn đề liên tục làm “nóng” nghị trường Quốc hội những kỳ họp vừa qua. Có lẽ không phải ngẫu nhiên vấn đề này nhận được sự quan tâm của các ĐB, bởi chỉ một dự án thua lỗ "một ngày, một tháng rồi một năm cộng lại thì sẽ là số vốn thất thoát rất lớn", nhìn vào thật đau xót.
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội vừa qua, có ĐB cũng đặt câu hỏi, ngoài 12 dự án thua lỗ, thất thoát đã được công bố, liệu còn có không những dự án khác. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã khẳng định rõ quan điểm của Chính phủ về việc rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại, yếu kém của DN Nhà nước và DN có vốn Nhà nước; kiên quyết xử lý các DN, dự án thua lỗ, không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường. Tập trung xử lý dứt điểm 12 dự án thua lỗ, thất thoát lớn và tiếp tục rà soát đối với các dự án, DN khác; có giải pháp phù hợp xử lý về tài chính theo nguyên tắc thị trường và chia sẻ rủi ro đối với từng dự án, không sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước; tạo thuận lợi để chuyển nhượng cho các đối tác bên ngoài. Trong phần trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng cũng nhìn nhận, ngoài 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ vẫn còn các dự án thua lỗ lớn, Chính phủ vẫn đang yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương rà soát báo cáo các dự án "đắp chăn, đắp chiếu". Về phía Bộ Công Thương, người đứng đầu ngành cũng khẳng định, rút kinh nghiệm để xây dựng quy trình đảm bảo trong quản trị vốn Nhà nước, đảm bảo hiệu quả phát triển kinh tế ngành. Làm rõ vai trò của DN Nhà nước và trách nhiệm giữa bộ chủ quản, bộ quản lý về quy trình, thủ tục đầu tư của các DN.Tuy nhiên, câu hỏi về vai trò, trách nhiệm của các bộ liên quan đến đâu cần phải làm rõ. Đó là trách nhiệm của những người tham gia vào quá trình thẩm định, xây dựng dự án có ý kiến như thế nào về việc ra đời dự án để dự án không hoàn thành. Dù rằng trách nhiệm cần sự phối hợp của các ngành, các cấp, nhưng nếu vẫn không chỉ ra được trách nhiệm, sẽ khó có được những giải pháp thấu đáo ngăn chặn tình trạng dự án thua lỗ, thất thoát.Việc Bộ Chính trị có chỉ đạo quyết liệt về vấn đề này cũng được kỳ vọng sẽ thực thi nhanh chóng và hiệu quả. Để thu hồi tối đa tài sản của Nhà nước, hạn chế thấp nhất thất thoát và những tác động tiêu cực đối với ngân sách Nhà nước cũng như đối với nền kinh tế nói chung. Và hơn hết, việc tiến hành thanh tra, kiểm toán, điều tra để làm rõ những sai phạm, vi phạm pháp luật ở từng dự án, DN, làm rõ trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm minh. Để từ đó, không tái diễn những yếu kém, khuyết điểm trong quản lý và điều hành đối với DN Nhà nước như thời gian qua. Để câu chuyện dự án nghìn tỷ thất thoát không làm nóng nghị trường mỗi kỳ họp Quốc hội.