Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bài học không của riêng ai

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị cấp cao 2 năm một lần của 8 nước thành viên tổ chức Hiệp hội Hợp tác kinh tế khu vực Nam Á (SAARC) tại thủ đô Kathmanadu của Nepal kết thúc với kết quả cụ thể nhưng kết quả ấy lại không nhiều và chưa được cơ bản đến mức tạo nên bước chuyển giai đoạn cho sự phát triển chung của tổ chức này.

Ngoài thỏa thuận mới về tạo thuận lợi để các thành viên bán năng lượng cho nhau nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, hội nghị này còn đưa đến kết quả là thành viên nào cũng không hài lòng về sự phát triển của tổ chức và nhận thức chung là nguyên nhân nằm ở chính nơi các thành viên. Thái độ cầu thị và không lẩn tránh sự thật như thế rất cần thiết và tích cực đối với tương lai của tổ chức này.

Bài học thất bại hoặc nếu không phải như vậy thì là bài học chưa thành công của SAARC quý giá cho chính nó và cho tất cả những tổ chức hợp tác và liên kết khu vực khác. Ra đời năm 1985, SAARC hình thành không phải sớm nhưng cũng chẳng phải muộn. Hai lý do chính khiến SAARC không phát triển được như mong đợi chung và đồng thời cũng là 2 nguyên nhân mà mọi tổ chức hợp tác và liên kết khu vực khác trên thế giới nếu không khắc phục được thì cũng không thể phát triển được. Thứ nhất là những chuyện trong nội bộ của các thành viên. Mất an ninh và ổn định, không tự tạo nên tăng trưởng kinh tế bền vững và không kịp thời giải quyết những vấn đề xã hội nổi cộm, các thành viên SAARC đều không thể dành ưu tiên thỏa đáng và có đủ tiền đề về chính trị nội bộ, tài chính, kinh tế và xã hội để thúc đẩy SAARC phát triển. Lý do thứ hai là mối bất hòa giữa Ấn Độ và Pakistan. Sự đối đầu thù địch giữa một vài thành viên luôn cản trở bước tiến của cả tổ chức. Tất cả những tổ chức hợp tác và liên kết khu vực khác trên thế giới đều ít nhiều đã nếm trải 2 bài học này.