Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bài học quý giá từ cuộc chiến với “ma men”

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình hình trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trong 6 tháng đầu năm 2023 có nhiều tín hiệu tích cực với điểm nhấn là hiệu quả đáng kinh ngạc từ cuộc chiến với “ma men” của lực lượng chức năng trên cả nước.

Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm TTATGT 6 tháng và phương hướng nhiệm vụ quý III/2023 của Ủy ban ATGT Quốc gia.
Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm TTATGT 6 tháng và phương hướng nhiệm vụ quý III/2023 của Ủy ban ATGT Quốc gia.

Ngày 11/7, Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm TTATGT 6 tháng và phương hướng nhiệm vụ quý III/2023. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban ATGT Quốc gia dự hội nghị tại điểm cầu chính ở trụ sở Bộ GTVT.

Bức tranh giao thông ngày một tươi sáng

Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn quốc xảy ra 4.970 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.865 người, bị thương 3.471 người. So với cùng kỳ năm 2022, giảm 762 vụ (tương đương 13,29%), giảm 484 người chết (tương đương 14,45%), giảm 214 người bị thương (tương đương 5,81%).

Cũng theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 6 tháng qua, đã có 43 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, 8 địa phương giảm trên 40% số người do TNGT. Đặc biệt, số người chết do TNGT tại các TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tại Bình Dương và Tiền Giang cũng được kéo giảm sâu so với cùng kỳ cả về tỷ lệ phần trăm và số lượng tuyệt đối.

Ngoài tình hình TNGT, nhiều thông số khác về tình hình TTATGT trên cả nước trong 6 tháng đầu năm 2023 cũng ghi nhận những chỉ số lạc quan. Điển hình nhất là công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực TTATGT.

Thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, từ đầu năm đến nay, Bộ Công an đã chỉ đạo cảnh sát giao thông, công an các đơn vị, địa phương bố trí lực lượng tăng cường thanh tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT, tập trung vào 5 chuyên đề gồm: “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”; “Kiểm soát phương tiện vận tải hành khách, nhất là xe chở học sinh, công nhân viên, xe hợp đồng; phương tiện vận tải hàng hóa, xe chở hàng cồng kềnh, nguy hiểm”; “Cơi nới thùng xe và chở hàng quá trọng tải, quá khổ”; “Vi phạm tốc độ”; “Sử dụng các loại giấy tờ giả liên quan đến người điều khiển và phương tiện."

Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá, sau thời gian triển khai, các chuyên đề trên đã và đang phát huy tác dụng rất tích cực trong kéo giảm TNGT trên toàn quốc. Kết quả, lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý trên 1,6 triệu trường hợp vi phạm TTATGT, phạt trên 3.200 tỷ đồng, tước hơn 328.000 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ gần 530.000 phương tiện các loại.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao hiệu quả từ chuyên đề kiểm soát vi phạm nồng độ cồn.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao hiệu quả từ chuyên đề kiểm soát vi phạm nồng độ cồn.

Muốn đạt hiệu quả, cần quyết liệt, toàn diện

Một trong những điểm nhấn đáng chú ý nhất trong bức tranh toàn cảnh tình hình TTATGT cả nước 6 tháng vừa qua chính là hiệu quả đáng kinh ngạc đến từ chuyên đề kiểm soát vi phạm nồng độ cồn.

Thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, trong 6 tháng đầu nay, lực lượng CSGT trên cả nước đã kiểm tra, xử lý 1.685.517 trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền 3.251 tỷ 819 triệu đồng, tước 328.213 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ 528.461 phương tiện các loại. Trong đó có 373.931 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 22,6%).

Thành công của chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn đến từ cách làm quyết liệt, toàn diện, không có vùng cấm, không có ngoại lệ mà lực lượng chức năng đưa ra trong quá trình thực hiện. Cũng bởi thế, chuyên đề vi phạm nồng độ cồn được nhiều báo, đài, mạng xã hội đưa tin và được quần chúng Nhân dân ủng hộ.

“Câu chuyện về “xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đã đi vào bữa cơm của từng gia đình”. Mọi người trong gia đình, bạn bè nhắc nhở nhau đã uống rượu bia thì không lái xe, qua đó dần hình thành thói quen, văn hóa tham gia giao thông của người dân “không điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia” – đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia nhấn mạnh.

 

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Văn Thắng đề nghị thời gian tới cần nêu cao tinh thần trách nhiệm để chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả những giải pháp bảo đảm TTATGT trong quý III, phấn đấu đạt cho được mục tiêu năm 2023 kéo giảm TNGT cả 3 tiêu chí ít nhất 5% so với năm 2022 ở mỗi địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia khẳng định, những kết quả đạt được trong công tác đảm bảo TTATGT 6 tháng qua là hết sức tích cực, nhất là việc TNGT giảm mạnh cả 3 tiêu chí chúng ta đạt được trong bối cảnh nhu cầu vận tải, đi lại của người dân tăng cao so với cùng kỳ năm 2022.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá rất cao hiệu quả từ công tác kiểm soát nồng độ. Ông Nguyễn Văn Thắng cho rằng, thành công từ chuyên đề trên không chỉ tạo hiệu ứng mạnh mẽ ở tất cả 63 tỉnh, TP trên cả nước mà còn cho thấy một bài học quý giá trong công tác đảm bảo TTATGT, đó chính là chỉ cần một giải pháp làm quyết liệt sẽ góp phần rất lớn giúp giảm TNGT một cách bền vững.

Sự bền vững ở đây không chỉ thấy rõ từ những con số thống kê cụ thể mà sẽ giúp hình thành thói quen, có văn hoá trong người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nền tảng cốt lõi của văn hóa giao thông mà chúng ta đã và đang xây dựng trong thời gian qua chính nằm ở yếu tố then chốt này.

 

Trong 6 tháng đầu năm nay, mặc dù TNGT đã được kéo giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: số người thương vong do tai nạn còn ở mức cao, còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người; tình hình ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, các trung tâm du lịch có xu hướng diễn biến phức tạp hơn. Nguyên nhân do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông, tài xế và chủ doanh nghiệp vận tải còn hạn chế; tình trạng thanh, thiếu niên điều khiển môtô khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe diễn biến phức tạp; tình trạng vi phạm về hành lang an toàn đường bộ, đường sắt diễn ra phổ biến. Ngoài ra, năng lực, hiệu lực thực thi pháp luật về TTATGT ở một số lĩnh vực, đơn vị, địa phương còn hạn chế" - Ủy ban ATGT Quốc gia