Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bài học từ huy động sức dân

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Xây dựng, hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn (GTNT), góp phần cải thiện đời sống cho người nông dân cần nguồn lực rất lớn. Ngoài phần hỗ trợ của Nhà nước, việc thu hút người dân tham gia đóng góp tiền bạc, công sức có vai trò rất quan trọng trong thành công của chương trình này.

Bài học từ huy động sức dân - Ảnh 1
Đường làng, ngõ xóm khang trang tại xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng. Ảnh: Quang Thiện
 
Những con đường từ sức dân
 
Từ cuối năm 2012 đến nay, người dân xã Cao Dương, huyện Thanh Oai rất phấn khởi mỗi khi ra đường vì đường làng, ngõ xóm đã được đổ bê tông khang trang và các góc cua, điểm tránh được mở rộng. Ông Nguyễn Văn Mến, cụm dân cư Bến, xã Cao Dương chia sẻ: "Có được những tuyến đường này phần lớn là nhờ vào sự ủng hộ của người dân trong xã". Theo UBND xã Cao Dương, toàn xã có 19,4km đường GTNT với trên 130 góc cua, điểm tránh. Đến nay, các hộ dân trên địa bàn xã đã hiến gần 1.000m2 đất để mở rộng gần 30 góc cua, 2.000m2 đường trục chính với tổng kinh phí ước đạt 1,5 tỷ đồng. Một số tuyến đường liên thôn cũng đang được triển khai xây dựng, dự kiến hoàn thành vào quý II/2013.
 
Tại xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, những con đường bê tông mới hoàn thành cũng góp phần thay đổi đáng kể diện mạo của làng quê. Toàn bộ các tuyến đường trục chính, xương cá chạy qua cổng của các hộ dân trên địa bàn xã đều đã được thay đổi diện mạo mới sạch đẹp. Theo UBND xã Đan Phượng, toàn xã có 58 tuyến đường ngõ, xóm với tổng chiều dài hơn 4.800m. "Chỉ sau hai tháng triển khai phong trào ra quân làm đường làng ngõ xóm, xã đã hoàn thành đổ bê tông toàn bộ 58 tuyến đường. Trong đó, nhân dân đóng góp hàng ngàn ngày công lao động" - ông Nguyễn Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Đan Phượng cho biết.
 
Theo UBND huyện Đan Phượng, tính đến ngày 31/12/2012 chỉ sau 2 tháng triển khai, 16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã xây dựng được 1.848 tuyến đường ngõ, xóm với chiều dài là 131km, tổng kinh phí là 184 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp ngày công trị giá 61 tỷ đồng và hiến 1.000m2 đất. Nhờ thành tích đó, Đan Phượng trở thành huyện dẫn đầu toàn TP về phong trào làm đường GTNT.
 
Khai thác “mỏ vàng”
 
"Triển khai làm đường đến đâu, thôn đều có danh sách chi tiêu các khoản tiền đóng góp của nhân dân hàng ngày và niêm yết ở đầu các ngõ, xóm. Nhờ đó, người dân rất phấn khởi, tin tưởng tham gia đóng góp xây dựng đường làng, ngõ xóm".
Bà Nguyễn Thị Thám - Trưởng thôn Đoài Khê, xã Đan Phượng
Với khối lượng công việc khổng lồ, việc xây dựng đường GTNT đòi hỏi nguồn kinh phí và nhân lực rất lớn. Chính vì vậy, khai thác nguồn lực từ nhân dân chính là chìa khóa thành công của chương trình này. Ông Chu Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Dương, huyện Thanh Oai chia sẻ, để huy động nhân dân tham gia xây dựng đường GTNT, xã đã thành lập các Tiểu ban tuyên truyền ở các thôn, cụm dân cư. Đồng thời, trực tiếp Chủ tịch, Phó Chủ tịch xã mang bản đồ quy hoạch, dự toán xây dựng xuống đối thoại công khai với nhân dân. Trên cơ sở đó, vận động nhân dân tham gia hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công để làm đường GTNT.
 
Chia sẻ kinh nghiệm thành công trong quá trình xây dựng đường GTNT trên địa bàn, ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết, huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể, huy động sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của tất cả các cấp chính quyền từ huyện tới xã, thôn, cụm dân cư. Trong đó, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và rõ thời gian. Đặc biệt, trước khi có Quyết định 16 của UBND TP về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn giai đoạn 2012 - 2016, huyện Đan Phượng đã có chính sách hỗ trợ 29% kinh phí vật liệu cho các xã xây dựng đường GTNT.
 
Nguồn lực trong nhân dân được coi là "mỏ vàng" trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhất là xây dựng, chỉnh trang đường GTNT. Do vậy, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường GTNT, các địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp tham gia đóng góp tiền bạc, ngày công lao động, hiến đất làm đường. Trong đó, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở theo nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra khi triển khai xây dựng đường làng, ngõ xóm.