Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bài học từ vụ Metro

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin Công ty TNHH Metro Cash & Cary Việt Nam, một nhánh của tập đoàn bán lẻ...

Kinhtedothi - Thông tin Công ty TNHH Metro Cash & Cary Việt Nam, một nhánh của tập đoàn bán lẻ xuyên quốc gia của Đức, mà dân ta quen gọi là siêu thị Metro đã bị Thanh tra của Tổng cục Thuế phanh phui về hành vi chuyển giá để trốn thuế suốt 12 năm liền đang gây xôn xao thị trường tài chính.

Nhìn cung cách làm ăn và nhất là nhìn miếng đất hoang bên đường Phạm Văn Đồng chục năm trước giờ thành miếng đất vàng, cứ nghĩ rằng lãi bán hàng là phụ, lãi chính là ở đây, không ngờ còn những khuất tất lớn hơn.
Người dân mua hàng tại Metro Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam
Người dân mua hàng tại Metro Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam
Để cho dễ hiểu với những người không quen tính toán phức tạp như chúng ta, có thể tóm lại, theo những thông tin từ Tổng cục Thuế, công ty này đã phải giảm lỗ 365 tỷ đồng và truy thu 62 tỷ đồng tiền thuế, cộng lại và lũy kế trong 12 năm (từ 2002 đến 31/12/2014), Metro sẽ phải truy nộp vào ngân sách của Việt Nam 507 tỷ đồng. Thủ đọan đã bị bóc trần là khai lỗ 1.657 tỷ đồng do phải trả tiền nhượng quyền thương mại với công ty liên kết bên Đức là 731 tỷ đồng và các khoản lỗ khác do chi phí lương, thưởng cho ban giám đốc, chuyên gia nước ngoài.

Cách trốn thuế và với kinh nghiệm của một tập đoàn tư bản đã kinh doanh khắp thế giới như Metro không mới mẻ. Khi đầu tư vào Việt Nam - một đất nước chưa hiểu gì nhiều về hệ thống bán lẻ, các văn bản pháp luật về kinh tế chưa chặt chẽ và đang khao khát đầu tư nước ngoài, chắc họ đã tính đến điều đó. Rút ra kinh nghiệm đau xót và quý giá trong vụ này chính là Việt Nam.

 Với Metro, việc truy thu 507 tỷ đồng to thật nhưng với một đất nước thì cũng có thể coi là nhỏ. Nhưng vấn đề là trên đất nước này hiện có bao nhiêu nhà đầu tư nước ngoài như Metro (mới đây nhất là trường hợp Honda Việt Nam bị truy thu thuế và phạt với tổng số tiền 182 tỷ đồng)? Metro lộ vì đã rục rịch chuyển nhượng cả 19 cơ sở của mình trong khắp cả nước cho một tập đoàn nước ngoài với cái giá ngất ngưởng 879 triệu USD, trong khi vốn bỏ ra tổng cộng có 331 triệu USD và trong khi liên tục báo lỗ thì vẫn tiếp tục đầu tư, mở rộng mạng lưới nên mới bị nghi ngờ, cho thanh tra vào làm rõ. Còn bao nhiêu tập đoàn có vốn 100% nước ngoài khác vẫn đang làm ăn bình thường thì sao?

Thứ hai, có người nói do pháp luật còn nhiều kẽ hở và trình độ thanh tra non kém, tôi nghĩ là không. Từ năm 2002 - 2011, Tổng cục Thuế đã có 4 lần thành lập đoàn thanh tra, mỗi lần thanh tra nhiều nhất là 45 ngày nhưng vẫn không phát hiện được gì, kiến nghị cuối cùng vẫn là phải giảm thuế để giảm lỗ cho Metro. Người ta có quyền đặt dấu hỏi về sự trong sáng, minh bạch của một số đoàn thanh tra hoặc một số cá nhân trong đoàn thanh tra đó. Bây giờ thì mới chỉ được quyền nghi ngờ vì chưa có bằng cứ, phải có kiểm tra, thanh tra làm rõ mới được nói, nhưng cứ kiểm tra, thanh tra xem.

Sau cùng, chúng ta đã qua một giai đoạn kêu gọi đầu tư, sắp tới còn nhiều tập đoàn nước ngoài vào Việt Nam nữa. Nếu không kịp thời rút ra kinh nghiệm từ Metro, chúng ta còn hớ hênh nhiều hơn trong đất đai, thuế má, lao động, tài nguyên môi trường, ngành nghề kinh doanh…