Và từ đó có những hành động cụ thể, ứng xử với nhau trong đời thường. Nhưng đáng buồn là không ít người thuộc thế hệ trẻ bây giờ có kiến thức rộng, tư duy nhạy bén... nhưng lại "thiếu văn hóa" trong ứng xử. Nhưng nhiều người lý giải, thế hệ trẻ bây giờ ứng xử ít văn hóa, lỗi tại họ chỉ chiếm một phần, lỗi nhiều hơn là từ người lớn, từ cách giáo dục của nhà trường và gia đình. Bởi trong gia đình, trẻ được nuông chiều và được đáp ứng mọi thứ theo nhu cầu nên hầu như không biết quan tâm đến ai. Ra đường, quá nhiều bài học không hay đập vào mắt, vô tình tạo cho trẻ một thói quen, thói quen ấy lớn dần lên và tạo thành nhân cách. Trong khi đó, cả bố mẹ, thầy cô chỉ chăm chăm vào kiến thức, không hướng dẫn trẻ phải sống như thế nào, không là những tấm gương thật sáng để trẻ noi theo, thì việc trẻ có những suy nghĩ lệch lạc, chệch hướng là điều khó tránh. Các chuyên gia cho rằng, muốn giúp trẻ ngay từ bậc học nhỏ nhất đã có hiểu biết, có hành vi ứng xử và thái độ đúng đối với các mối liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày ở mức độ đơn giản, bản thân mỗi gia đình cần ý thức hơn trong việc thể hiện lòng nhân ái, biết giúp đỡ những người xung quanh, biết thể hiện ứng xử đẹp trong đời thường. Những cử chỉ, lời nói, hành vi của ông bà, cha mẹ, người thân phải là những tấm gương sáng để trẻ noi theo một cách tự nhiên, không khiên cưỡng. Do đó, việc dạy trẻ không nên theo một cách cứng nhắc theo những mô hình có sẵn mà cần dựa vào đặc điểm tâm lý, nhu cầu, khả năng của từng trẻ, người lớn nên chọn lựa những biện pháp phù hợp để tác động lên con trẻ một cách nhẹ nhàng nhưng hiệu quả. Có khi đơn giản chỉ là dạy trẻ biết nói "dạ, thưa" mỗi khi trả lời câu hỏi của người lớn, biết "xin lỗi", biết "cảm ơn"… Hãy dạy trẻ những kỹ năng giao tiếp cần thiết để từ đó có cách xử sự lịch sự và cũng là hình thành đức tính tốt sau này.