Kinhtedothi - Nhân triển lãm "Áo dài Việt - Hương sắc thời gian" diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam trong suốt tháng 10, Ban Tổ chức đã tạo ra diễn đàn bàn về "Hồn Việt trong tà áo dài đương đại". Có lẽ, chưa bao giờ những vấn đề về thiết kế, sử dụng áo dài lại được bày tỏ thẳng thắn như vậy.
Cách tân thái quá
Thời gian gần đây, những tranh cãi của người làm văn hóa lẫn người làm thời trang lại diễn ra không ngớt. Bởi, trải qua bao thập niên, tà áo dài ngày nay đã khác nhiều so với nguyên bản. Người cho là đẹp, người lại cho rằng các nhà thiết kế (NTK) "quá tay". Theo trí nhớ của bà Nguyễn Thị Trường (84 tuổi), sinh ra trong gia đình có 3 thế hệ ở Hà Nội: "Áo dài ngày xưa có 2 tà để mặc cho kín đáo và mỗi tà đủ rộng để che hết cả đôi chân. Cách xẻ eo cũng thấp, khéo léo, thướt tha nhưng không để hở làn da bên trong. Tùy thuộc vào từng công việc, như bà bán cốm, cô bán hoa, bán rau... đều có cách mặc áo dài để tiện làm việc".
Đến nay, áo dài trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều NTK. Thế nhưng, rõ ràng cách thiết kế áo dài nay đã khác xưa. Người ta vẫn nhớ buổi trình diễn thời trang gây nhiều tranh cãi của NTK Võ Việt Chung đầu năm ngoái với bộ sưu tập mang tên "Quà tặng của thượng đế". Anh đã sử dụng nhiều chi tiết của áo dài, nhưng cách thức thể hiện lại đi theo hình thức haute couture - kiểu thời trang cao cấp nhằm nói lên ý tưởng của NTK là giữ gìn Trái đất qua những màu sắc, họa tiết. Và trong bộ sưu tập này, áo dài được xẻ năm, xẻ bảy, sử dụng họa tiết da báo, quần ren dáng côn... khiến người xem có cảm giác phản cảm. Chính vì vậy, với mục đích xây dựng một bộ sưu tập mang ý nghĩa bảo vệ thiên nhiên, nhưng có vẻ như NTK Võ Việt Chung đã không đạt được mong muốn của mình.
Không chuyên thiết kế áo dài, nhưng NTK Cao Minh Tiến coi áo dài là quà tặng của cha ông để lại cho thế hệ sau. Chính vì vậy, mỗi năm, Cao Minh Tiến lại thiết kế 1 - 2 bộ để làm quà tặng cho các người đẹp. Đôi khi anh còn bị gọi là hơi "cổ hủ" vì trung thành với các mẫu áo dài xưa. Chính vì vậy, trên rất nhiều diễn đàn thời trang, anh đã bày tỏ sự phê phán cách làm cho áo dài trở nên lai căng, phá vỡ kết cấu hoàn hảo vốn có của tà áo. "Không nên biến báo áo dài một cách thái quá, rất dễ bị nhầm thành đồ dạ hội hay đồ Trung Quốc. Trên một trang phục vốn đã rất truyền thống, việc làm mới, đem lại những dáng dấp mới cũng là điều đáng hoan nghênh, nhưng riêng với tôi, tôi luôn muốn chú trọng hồn Việt trong tà áo dài. Dù bất kỳ ở thời đại nào, hồn Việt đó đều thiêng liêng" - anh chia sẻ.
Dấu ấn văn minh, thanh lịch
Đối với người sinh sống ở Hà Nội lâu năm như bà Nguyễn Thị Trường, hình ảnh vào dịp Tết hay cưới hỏi, người phụ nữ khấp khởi trong tà áo dài đã ở trong tiềm thức. Song rõ ràng, giữa nhịp sống hiện đại, áo dài không còn thông dụng, thay vào đó là những bộ váy bút chì, sơ mi… Và, đâu đó vẫn còn có những hình ảnh áo dài thiếu thiện cảm. Để tập trung tuyên truyền vận động phụ nữ thực hiện văn minh, thanh lịch trong ăn mặc, giao tiếp, nhiều lớp tập huấn đã tổ chức các buổi tọa đàm về văn hóa áo dài của phụ nữ hiện nay. Một số đơn vị có sáng kiến vận động phụ nữ tham gia Ngày áo dài (quận Hoàn Kiếm vận động phụ nữ kinh doanh ở khu Phố cổ mặc áo dài khi bán hàng trong một ngày); đồng thời, các đơn vị cũng kiến nghị các NTK thời trang cần nghiên cứu, cải tiến tăng thêm tính ứng dụng của áo dài, giúp cho người mặc thuận tiện hơn trong sinh hoạt.
Không thể phủ nhận tà áo dài là một phần bản sắc văn hóa Việt. Hình ảnh người phụ nữ Hà Nội từ xưa đã luôn luôn in dấu trong văn chương, nhiếp ảnh với tà áo dài. Trong thời hiện đại, việc giữ gìn thói quen mặc áo dài càng cần được phát huy, nhất là khi người Hà Nội đang xây dựng sự văn minh, thanh lịch trong giao tiếp, ứng xử.
Trình diễn thời trang áo dài tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Văn Phúc
|