Việc cơ cấu các khoản nợ và giải quyết nợ xấu đang được thực hiện rất quyết liệt, nhưng bên cạnh đó cũng đang nảy sinh không ít thách thức, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế suy thoái hiện nay.
Việc xử lý nợ xấu trong khu vực doanh nghiệp Nhà nước đang được đặt ra rất cấp bách. Trong ảnh: Xưởng sản xuất của Công ty đóng tàu Phà Rừng, thuộc Tập đoàn Vinashin.Ảnh: Hùng Huy
Tái cơ cấu nợ
Vừa qua, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hỗ trợ, khoản vay ưu đãi 300 triệu USD, thuộc dự án cải cách DNNN và hỗ trợ quản trị công ty, với tổng nguồn vốn của cả chương trình là 630 triệu USD. Dự án gồm ba giai đoạn (từ năm 2009 - 2015). Giai đoạn 1 đã thực hiện từ năm 2009 với khoản hỗ trợ 130 triệu USD cho hai đơn vị là Tổng Công ty Sông Đà (trước đây là Tập đoàn Sông Đà) và Tổng Công ty Đường sông miền Nam vay. Giai đoạn 2 sẽ triển khai từ năm 2013 với 300 triệu USD và giai đoạn 3 là 200 triệu USD.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính, khoản 300 triệu USD này dùng để tái cơ cấu nợ hay nói đúng ra là thay thế các khoản vay ngắn hạn, lãi suất cao bằng khoản vay dài hạn với lãi suất hợp lý… Quy mô nợ của DN không thay đổi, thời hạn vay kéo dài từ 5 năm lên 20 năm và từ lãi suất 15% đã được giảm xuống mức thấp hơn.
Để được vay ưu đãi, DN phải đáp ứng được các tiêu chí như có trên 50% vốn Nhà nước sở hữu; đề án tái cơ cấu của DN phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt;... Căn cứ theo những tiêu chí trên, Bộ Tài chính sẽ rà soát hồ sơ đăng ký của các đơn vị rồi gửi danh sách cho đơn vị tư vấn làm việc với DN. Đơn vị tư vấn do ADB lựa chọn.
Số nợ của Tổng Công ty Sông Đà hiện đã lên đến 10.000 tỷ đồng.Trong ảnh: Tòa nhà Tổng Công ty Sông Đà (Mỹ Đình, Hà Nội). Ảnh: Anh Tuấn
Phá sản hay chứng khoán hóa nợ xấu?
Theo TS Lê Đăng Doanh, phần lớn nợ của Việt Nam là nợ dài hạn, hiện chưa đến hạn trả nợ nên sức ép trước mắt chưa lớn, nhưng về dài hạn nếu tính toán không kỹ sẽ rất căng thẳng... Nếu DN không trả được các khoản nợ đến hạn sẽ gây ra nợ xấu cho ngân hàng, tác động tiêu cực đến toàn xã hội. Đơn cử như Tổng Công ty Sông Đà đã được vay hơn 100 triệu USD từ ADB. Hiệu quả của việc cho vay này sẽ là như muối bỏ bể khi mới đây Bộ Tài chính công bố đơn vị này có số nợ lên đến 10.000 tỷ đồng?.. Bên cạnh đó, trong khi DN tư nhân có thể dễ dàng bán tài sản hoặc nhượng cổ phần cho các DN khác để có tiền trả nợ ngân hàng thì các DNNN lại rất khó có thể bán tài sản hoặc cổ phần Nhà nước theo giá thị trường trong giai đoạn kinh tế suy thoái hiện nay. Vì vậy, các khoản nợ mà các DNNN vay thường phải trông đợi vào sự hỗ trợ của ngân sách dưới các hình thức xóa nợ, khoanh nợ… Tuy nhiên, cách làm này có thể khiến các DNNN khác lâm vào khó khăn và cuối cùng gánh nặng lại đè lên vai Nhà nước.
Mặt khác, số tiền vay ưu đãi của giai đoạn 2 và 3 còn lại mà ADB cho vay ưu đãi là 500 triệu USD, tương đương hơn 10.000 tỷ không thấm vào đâu so với con số hơn 1 triệu tỷ đồng đến hạn trả nợ và số nợ xấu lên tới hơn 200.000 tỷ đồng của các DNNN. Theo ông Trần Đình Thiên (Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam), muốn giải quyết, trước tiên phải đi thẩm tra lại các khoản nợ, phân loại các nhóm nợ, phân tích xem nhóm nào có khả năng đòi được, nếu không đòi được thì xấu đến mức nào. Đối với các DN làm ăn thua lỗ, không thể phục hồi được nữa thì buộc phải cho phá sản, giải thể... chứ không thể tiếp tục đổ vốn.
Ông Thiên chia sẻ, kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, cần lập Ủy ban Nhà nước xử lý nợ. Hình thành công ty mua bán nợ xấu quốc gia, có chức năng, nhiệm vụ xử lý nợ xấu thông qua hoạt động mua bán hoặc chứng khoán hoá nợ xấu của các DN, xử lý các khoản nợ này theo hướng bán các gói nợ cho các tổ chức tín dụng hoặc chuyển đổi các gói nợ thành cổ phần. Tuy nhiên, ngay cả khi ủy ban này được thành lập thì việc thanh lý tài sản cũng không hề đơn giản. Một trong những vai trò quan trọng của Ủy ban Nhà nước xử lý nợ là phải tìm kiếm và bán các tài sản thuộc khu vực DNNN cho các tổ chức nước ngoài mới có thể giảm nhanh được tỷ lệ nợ xấu. Nhưng đây là điều mà có vẻ như các cơ quan quản lý vẫn chưa muốn đề cập tới.