Thế nhưng, cú sốc về chuyên môn ấy không thể lớn bằng bài toán mang tên trọng tài. Hàng loạt sự cố đã diễn ra khiến dư luận nổi sóng chỉ trích.
Vòng 9 có 7 cặp đấu nhưng có đến 4 cặp xảy ra sự cố liên quan đến trọng tài. Trên sân Long An, trọng tài đã tưởng tượng ra một quả phạt đền cho đội chủ nhà. Tại Quảng Ninh, đội chủ nhà đã giành thắng lợi nhờ quả phạt đền gây tranh cãi ở phút 90. Tại Hàng Đẫy, cú dứt điểm của Thành Lương đã qua vạch vôi cả mét nhưng không được trọng tài công nhận thành bàn thắng. Những pha bóng gây tranh cãi kể trên có thể được hiểu xuất phát từ lỗi nhận định trong bối cảnh tốc độ trận đấu diễn ra quá nhanh. Tuy nhiên, đỉnh điểm sự bức xúc của dư luận là việc trọng tài Hà Anh Chiến thổi phạt 11m đội SLNA khi pha phạm lỗi cách vòng 16m50 cả mét. Từ tình huống này, FLC Thanh Hóa đã cân bằng tỷ số 2 - 2 đúng ở phút 90. Dù đội khách đã phản ứng dữ dội nhưng trọng tài không thay đổi quyết định của mình... Vấn đề được dư luận quan tâm lúc này chính là quan điểm của Hội đồng trọng tài quốc gia. Theo ông Nguyễn Văn Mùi - Trưởng ban Trọng tài, trọng tài Hà Anh Chiến đã sai về chuyên môn và sẽ bị xử lý. Vấn đề ở đây là sai sót căn bản đó thực sự là lỗi chuyên môn hay có vấn đề tư tưởng? Nếu không có câu trả lời thật sự thấu đáo, VFF khó lòng tìm được sự cảm thông từ dư luận. Trước mắt, các trọng tài sẽ khó làm nhiệm vụ hơn khi những quyết định của họ luôn bị hồ nghi. Các đội bóng cũng có cớ để phản ứng trọng tài nhằm bảo vệ quyền lợi của mình. Và một điều các nhà quản lý cần quan tâm là họ phải lấy lại hình ảnh cho các ông Vua sân cỏ. Một khi các trọng tài không nhận được sự ủng hộ của dư luận thì giá trị của giải đấu cũng bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, các nhà tài trợ sẽ khó lòng bỏ tiền đầu tư cho một giải đấu nếu họ cảm thấy thương hiệu của mình có thể đối diện với rủi ro.
Trọng tài Hoàng Ngọc Hà bị phản ứng trong trận Thanh Hoá - QNK Quảng Nam. |