Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bàn chân đất

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đôi dép xỏ chéo qua nhau kẹp nách, trên tay gã là chai rượu đã hết phân nửa. Gã lè nhè, người nghiêng ngả bước đi khập khiễng như sắp ngã. Ấy thế mà gã không ngã, cứ lảo đảo trên đường, thỉnh thoảng lại phá lên cười hềnh hệch.

Gã tên Thịnh, mắt trái của gã bị đâm hỏng trong một vụ tai nạn hồi bé. Từ đó, mọi người gọi gã là Thịnh chột. 

Thịnh chột say suốt năm suốt tháng, lúc nào gặp cũng có chai rượu trên tay, Dân làng đều cố lảng xa vì không ai muốn dây với một kẻ nát rượu. Gã đi đến đâu cũng bị xua đuổi, người ta sợ gã say rồi mè nheo gây chuyện. Không chỉ nghiện rượu, tiết canh là món khoái khẩu của gã. Gã vẫn hay rên câu: “Rượu là phải có tiết canh/Tiết canh không rượu, nước lèo không xương”. Thịnh chột cũng được ví như con ma xó, bởi những đứa trẻ đang khóc mà dọa có gã ngoài nhà thì bọn chúng im bặt. Những đứa phá phách, hễ nghe thấy tiếng gã từ xa là chúng tìm cách châm chọc.
 Minh họa: Hoài Văn
Minh họa: Hoài Văn
Có hôm, mấy thằng nhóc xóm trên thấy gã đang ngật ngưỡng từ xa đi lại, chúng bàn nhau hái quả cà ri già, bóp lấy hạt pha nước cho ra cái màu đỏ chót như máu rồi đóng vào túi ni lông để ngay ra giữa đường, gã đi tới, mắt nhắm, mắt mở thấy cái bịch nước màu, gã cứ nghĩ bịch tiết canh, nhìn ngó xung quanh, không thấy ai, gã túm cái bịch nhét vào áo, mặt gã hớn hở lắm, có lẽ gã nghĩ tối nay sẽ được chén tiết canh chăng. Chỉ chờ có thế, mấy thằng nhóc từ trong bụi chui ra hò hét ném đất vào người gã, cái bịch nước màu vỡ tung ra, màu đỏ thấm ướt đẫm cái áo đã ngả màu cháo lòng và chảy xuống cả đùi, nhuộm đỏ một khoang quần phía trước. Bọn chúng ôm bụng cười ầm, biết mắc lừa bọn trẻ ranh mãnh, gã gườm gườm cầm đất ném lại. 

Vốn dĩ gã từng có một mái ấm. Vợ gã ngày xưa thuộc hàng trâm anh thế phiệt, nhưng mụ có tính lẳng lơ. Mụ lỡ có thai, cả dòng họ náo loạn. Họ không biết tác giả của cái thai trong bụng mụ là ai. Nói gì người ta, chính mụ cũng không chắc con mụ có phải là của thằng đội trưởng có vợ và ba đứa con lóc nhóc nhưng mắt cứ tít vào khi nhìn thấy gái hay không. Hay của cái thằng lái xe cho cha mụ, tuy ít tuổi nhưng cũng vợ con đàng hoàng. Hay hay… mụ cũng chẳng biết. Trước đó, cũng có mấy đám đến nhà hỏi cưới mụ nhưng cha mẹ lấy cớ không môn đăng hộ đối để từ chối, hoặc không thì bọn họ chửi như tát nước vào mặt người ta. Cũng phải, nhà mụ dòng giống phượng hoàng, đâu như mấy cái loại “mèo mả gà đồng”, cái loại “đũa mốc mà chòi mâm son” kia. Họ không nhìn thấy sự lẳng lơ, trơ trẽn của đứa con gái độc nhất, cố giữ để tìm được một mối cho thật xứng đáng với cô con gái quý ngàn vàng ấy. Cuối cùng, 32 tuổi, mụ chưa có chồng. Không chồng mà chửa, giờ thì hết sĩ diện. Cả gia tộc xúm vào, họ sợ bị mang tiếng xấu nên tìm đủ mọi cách để chuyện này không ảnh hưởng đến dòng họ. Cuối cùng, một thằng cháu xa của ông trưởng nghĩ ra có thằng em mãi trong Tây Nguyên chưa vợ. Thế là ngay trong tháng ấy, mụ rời mảnh đất vẫn được xem là trung tâm văn hóa của cả nước để vào Tây Nguyên. Và Thịnh chột vừa được không vợ vừa được một khoản tiền kha khá. Từ đấy gã đổi đời, gã nghiễm nhiên thành ông chủ của một vựa cà phê và mấy chục héc ta cao su. Có tiền vào con người ta khác hẳn. Ngày ấy, gã cũng thuộc hạng trai ngoan, nhưng vì bị chột mắt, thân hình gày gò lại nghèo nên chẳng ai thèm để ý. Trước khi có vợ, gã đã từng làm thuê cho mấy nhà có nhiều đất, tiền làm được chỉ đủ sống qua ngày. Và từ một kẻ tay trắng, gã thành trọc phú nhưng phải chấp nhận mọc rất nhiều sừng bởi cái tính lẳng lơ của mụ vợ.Gã sẽ cứ vẫn tiếp tục cuộc sống sung sướng ấy nếu không có chuyện mụ vợ lừa bán hết đất đai, nhà cửa rồi ôm tiền trốn theo trai. Gã bị bỏ rơi cùng đứa con riêng, mụ không cần chính đứa con mụ rứt ruột đẻ ra, thì gã, một kẻ chỉ là chồng hờ càng không đáng khiến mụ bận tâm. Nhìn con bé mới sáu tuổi không hiểu chuyện người lớn, chẳng tội tình gì. Gã thấy thương hại cho nó “mẹ nó đã bỏ rơi nó, không lẽ giờ mình lại bỏ nó sao?”. Gã quay lại cuộc đời làm thuê nuôi miệng và nuôi con riêng của vợ. Gã đã chấp nhận nuôi con bé nhưng cứ mỗi lần đi làm về, nhìn đứa con gái kia, Thịnh chột lại nghĩ đến mụ vợ bội bạc. Gã tìm đến rượu để quên đi chuyện đời, nhưng sao nó làm gã càng khổ tâm hơn. Thịnh chột nhận làm khoán cà phê cho một người trên thành phố về đầu tư nên có nơi để chui ra chui vào. 

Thịnh chột thường chìm trong cơn say, lảm nhảm hát nhưng chẳng ai nghe rõ gã hát gì. Gã lếch thếch về nhà, đứa con gái đã gần tuổi trăng tròn đang nấu cơm, mặt nó dính than đen, nhưng hình như nó không để ý. Nó vẫn cặm cụi làm và cũng không biết sự xuất hiện của người cha. Gã nhìn nó. Lần đầu tiên gã nhìn nó chăm chú sau bao nhiêu năm say sỉn. Thịnh chột ngắm con gái bằng con mắt phải còn lại, nhìn tới mức quên mất nó đã nhìn thấy gã và cất tiếng hỏi: “Cha đã về đấy ạ!”. Gã bỗng lúng túng, đặt chai rượu xuống chân giường, bước lại bếp ngồi cùng con bé. Lúc này con bé nhìn thấy quần áo cha nó lấm lem, cả người nặc lên mùi cà ri, nó lo lắng hỏi xem cha gặp chuyện gì. Nhưng gã cười, lâu lắm con bé mới thấy cha nó cười. 

Từ khi mẹ bỏ đi, cha nó luôn bên cạnh, dù nó biết cha đã rất buồn, rất thất vọng về mẹ, nhưng không bao giờ ông rầy la hay đánh đập nó. Chỉ có điều từ đó, nó không còn được nghe thấy tiếng cười hiền từ của con người khốn khổ ấy nữa. Nó còn đang thắc mắc thì phát hiện dưới chân cha máu đang chảy ra. Con bé hoảng hốt nhấc chân gã lên nhìn cho kỹ, một vết rách sâu, có vật gì trong đó, nó khẽ đưa tay chạm thử vào, gã ứ lên một tiếng. Gã bị mảnh sành cứa đứt chân, mảnh sành vẫn đang nằm trong đó. Con bé vội giục gã lên giường ngồi, lấy chậu nước muối cho cha nó ngâm chân. Nó khẽ rửa sạch rồi nhấc lên tìm cách gỡ miếng mảnh sành ra, cuối cùng nó cũng làm được. Gã nhìn những giọt mồ hôi đầm đìa trên trán nó và quên cả sự đau đớn. Gã thấy con bé cứng rắn hơn gã tưởng, và gã lại chợt nhói lòng.

Lúc mẹ nó bỏ đi, nhà cửa, đất đai lần lượt bị người ta cầm giấy nợ đến lấy hết. Lúc bình thường, Thịnh chột không bao giờ đùa giỡn hay có hành động thân thiện với con bé. Gã chấp nhận làm chồng hờ nhưng gã không yêu thương đứa con của mụ vợ. Tuy nhiên, việc gã không phải cha ruột của con bé thì chỉ có gã và mụ vợ biết, nghiễm nhiên con bé vẫn nghĩ gã là cha ruột của nó. Ngày đó, nó mới lên sáu nhưng khi thấy người ta đến đòi nhà, đòi đất, cha nó ngồi ủ rũ nơi góc buồng cũng bị bọn họ lôi ra bắt ký vào giấy gán nợ cho bằng được. Con bé chạy lại, khóc thét vào mặt những người kia như muốn bảo vệ cha. Nó ôm chặt cha nó không cho những kẻ lạ mặt đến gần, gã cứ ngồi thất thần, bỏ mặc ai muốn lấy gì thì lấy. Ngày xưa, gã bước vào căn nhà này với hai bàn tay trắng thì giờ gã ra đi, cũng vẫn tay trắng nhưng lại có đứa bé. Đứa bé gọi gã là cha, nhưng cha ruột nó thì gã nào hay biết. 

Vết thương ở chân đã đóng miệng, mấy ngày nay vì phải băng chân, gã không đi uống rượu được, giờ gã thấy thèm rượu. Nhấc cẳng chân đau đặt lên ghế, gã nhìn bàn chân mình, nếu không bị thương thì có lẽ chân gã không thể có lúc sạch sẽ như bây giờ. Con bé đã đi học từ sáng sớm, nó úp sẵn tô cơm rang trên bàn cùng một quả trứng gà luộc. Gã ngồi dậy, mắt đảo tìm cái chai định bụng đi mua rượu, và gã thấy cái chai đã đầy rượu từ lúc nào. Gã rót rượu ra ly, đưa lên miệng uống, nhưng sao hôm nay lão thấy rượu đắng quá. Lão nhổ phẹt ra, đổ cả ly rượu đi rồi rót ly khác, cũng vẫn cái vị đắng ấy. Nhìn tô cơm trên bàn, một tình thương sâu thẳm nơi tim gã như được thắp sáng. Không say, gã thấy thoải mái nhiều. Và gã lấy cái cuộn lá chuối ấn chặt vào miệng chai rượu ấy. 

Có tiếng người từ ngoài sân. Con chó cút đuôi cụt chạy ra sủa inh ỏi, lão đặt quả trứng xuống, nhìn ra ngoài, một người đàn bà ăn mặc sang trọng bước vào nhà. Gã nhận ra là mụ vợ, lão nhìn mụ chòng chọc. Mụ ta vẫn bước xăm xăm kéo ghế ngồi đối diện gã không lấy gì làm sượng sùng. Mụ đặt luôn vấn đề  muốn đưa con bé đi theo. Mụ sẽ cho gã một khoản tiền để gã sống sung sướng quãng đời còn lại. Mặt gã không rượu mà đỏ, những mạch máu căng cứng, chẳng nói, chẳng rằng, lão cầm luôn ly rượu hất thẳng vào mặt mụ, hét lên: “Cút! Cút! Cút ra khỏi nhà tao ngay!”. Mụ ta đứng dậy, rút khăn lau rượu trên mặt rồi bước ra cửa, nhưng cũng không quên nói với vào: “Nó là con tôi, ông cũng có phải là cha ruột nó, ông có cố giữ nó cũng không được. Tôi sẽ nhờ pháp luật can thiệp”. Mụ quay ra đã thấy con bé đứng trước mặt, nó lặng thinh không nói, mắt ầng ậc nước. Mụ hối hả chạy lại “Con! Con!” định ôm nó thì con bé đã đẩy mụ ra. Mụ đàn bà chộp lấy tay con bé: “Đi với mẹ, người này không phải cha con đâu, suốt bao năm hắn mạo danh cha con đấy”. Con bé ngỡ ngàng quay sang phía mụ. Nó nhìn mụ không chớp mắt, từ ánh mắt ngạc nhiên chuyển thành căm phẫn. Chẳng khó khăn gì để nhận ra trong đôi mắt ầng ậc nước của nó là những tia lửa điện. Nó nhìn người sinh ra nó như kẻ thù, ánh mắt sắc lạnh khiến mụ đàn bà hoảng hốt thả tay nó ra. Mụ đi nhanh ra cửa, khựng lại giây lát rồi bước thẳng.

Gã thất thần, ánh mắt dại đi, con bé chạy lại lay lay vai gã “Cha ơi! Cha ơi!”. Trong giờ khắc này gã thấy mình trơ trọi quá, gã không biết mở miệng với con bé thế nào, gã sợ làm nó tổn thương, sợ phải thú nhận với nó cái sự thật nghiệt ngã mà gã đã chôn kín từ lâu. Nhưng con bé đã vòng tay ôm lấy cổ gã: “Cha đừng lo, con biết cha không phải cha ruột của con từ lâu rồi. Nhưng cha ơi! Có ai nuôi nấng con khi con bị bỏ rơi, có ai chịu đói để dành tiền mua cho con hộp sữa? Con không cần những thứ vật chất phù phiếm ngoài kia, chỉ cần cha mãi bên con như thế này là được. Con cần cha hơn bất kỳ điều gì trên đời”. Con bé nghẹn ngào nói trong tiếng nấc. Lần đầu tiên trong đời nó được cha nó ôm vào lòng. Bàn chân đi đất ứa máu.