[Bạn đọc viết] Tiết kiệm và chống lãng phí

Trần Văn Bính (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Suốt cuộc đời hoạt động của Bác Hồ, trong các bài viết hay khi tiếp xúc nói chuyện với cán bộ, Bác thường để lại những lời dặn giản dị: Cán bộ phải thương dân, làm việc gì cũng phải nghĩ đến “Tiết kiệm và chống lãng phí”. Lời dặn đó đã trở thành chân lý cho nhiều thế hệ cán bộ làm theo.

Trong thực tế của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước, nhiều cán bộ cao cấp đã làm gương cho lớp trẻ. Mặc dù được nhận chức vụ cao nhưng không sắm xe mới, không tự cải tạo cơ quan làm việc theo ý của mình. Đặc biệt, có bộ trưởng về nhận chức bí thư tỉnh ủy, thấy dân còn nghèo nên đi làm việc từ nhà đến cơ quan bằng xe đạp. Những tấm gương đó chúng ta gặp không hiếm.
Chúng ta đang chuẩn bị đại hội Đảng các cấp bầu ra một bộ máy lãnh đạo mới. Theo quy luật, cứ một nhiệm kỳ mới sẽ có sự thay đổi cán bộ lãnh đạo chủ trì. Hiện nay, chúng ta đang bắt đầu thuyên chuyển cán bộ từ cấp phường đến cấp T.Ư.
Tình trạng hiện nay một số cán bộ khi được thuyên chuyển về nơi công tác mới thiếu gương mẫu, xem thường dư luận quần chúng, cơ quan, sắm xe mới, phương tiện làm việc mới dù những phương tiện đó của người tiền nhiệm còn rất tốt, bảo đảm 70 - 80% giá trị sử dụng.
Có trường hợp nghe theo thầy phong thủy, cải tạo hội trường, phòng làm việc, phù hợp với tuổi tác của mình, gây lãng phí, bức xúc trong cơ quan và quần chúng… Trong lúc đó, tại nhiều cơ sở không có phòng họp, không bàn ghế, đảng viên đi họp phải mang theo ghế nhựa.
Nguy hiểm hơn, cứ một lần luân chuyển, việc đáng phải làm ngay là nhận bàn giao, thâm nhập cơ sở để bắt tay vào điều hành công việc nhưng lại bị không ít cán bộ bỏ quên. Để thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ, và chỉ thị của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các địa phương cần có chỉ thị nghiêm cấm các hiện tượng trên và tổ chức kiểm tra rút kinh nghiệm trên toàn địa bàn.