Theo chương trình nghị sự, trong vòng một tuần (25/9 - 1/10), các nước thành viên LHQ sẽ bàn thảo về tình hình bất ổn chính trị tại Syria, chương trình hạt nhân của Iran và làn sóng chống Mỹ lan rộng trong thế giới Hồi giáo vì bộ phim nhạo báng đạo Hồi. Khi đề cập tình hình Syria, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nhận định, bất ổn tại nước này đã lan rộng ra toàn khu vực, đe dọa tới hòa bình, an ninh quốc tê và kêu gọi các nước hỗ trợ tiến trình thiết lập lại sự ổn định tại đây. Phát biểu tại phiên họp, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng, Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải ra đi để “người dân không còn phải chịu đựng đau khổ”.
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon (trái) trao đổi với ông Vuk Jeremic, Chủ tịch khóa họp lần thứ 67 của Đại hội đồng LHQ tại phiên khai mạc.
Trong phiên thảo luận ngày 26/9, Ngoại trưởng các nước thành viên thuộc Hội đồng Bảo an LHQ đã không đạt được tiến triển đột phá nào về tình hình Trung Đông. Việc Đặc phái viên LHQ và Liên đoàn Ả Rập về Syria, ông Lakhdar Brahimi đã thông báo về kế hoạch thăm Moscow và Bắc Kinh nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ của Nga, Trung Quốc đã mở ra hy vọng mới về tiến trình giải quyết tình trạng bất ổn tại quốc gia Nam Á này.
Liên quan đến tình hình xung đột tại khu vực, Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh, giải pháp 2 nhà nước Palestine và Israel cùng chung sống hòa bình là sự lựa chọn bền vững duy nhất. Trước những lời lẽ đe dọa tấn công lẫn nhau gần đây giữa Iran và Israel, ông Ban Ki-moon cho rằng bất kỳ một cuộc tấn công quân sự nào cũng đều gây ra hậu quả thảm khốc và các nước cần tuân thủ đầy đủ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Obama, một mặt nhấn mạnh Washington sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân vì "điều này sẽ đe dọa an ninh của Israel và các nước vùng Vịnh cũng như sự ổn định của kinh tế toàn cầu. Nó cũng gây ra nguy cơ chạy đua vũ khí hạt nhân trong khu vực”. Ngoài ra, làn sóng phản đối bộ phim chống đạo Hồi, vốn đã khiến 50 người thiệt mạng trên khắp thế giới chắc chắn sẽ gây ra những sóng gió mới trong phiên họp của các Ngoại trưởng đến từ 57 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) diễn ra vào ngày 28/9.
Rõ ràng, những vấn đề trên cho thấy hơn lúc nào hết, thế giới cần phải xây dựng một hệ thống toàn cầu, trong đó các nước được đối xử bình đẳng và công bằng. Theo ông, Vuk Jeremic - Chủ tịch khóa họp 67 của Đại hội đồng, hệ thống này sẽ giúp các quốc gia cảm thấy an toàn, cởi mở hơn khi tiếp cận các phương pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, ngoại giao hay kinh tế.