Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bán hàng đa cấp đang biến tướng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Không những chỉ có bán hàng đa cấp đang biến tướng khó lường, hình thức văn phòng đại diện cũng bị lợi dụng đủ kiểu để lừa gạt khách hàng.

KTĐT - Không những chỉ có bán hàng đa cấp đang biến tướng khó lường, hình thức văn phòng đại diện cũng bị lợi dụng đủ kiểu để lừa gạt khách hàng.

"Hiện nay, hình thức kinh doanh đa cấp đang có sự biến tướng chuyển sang mô hình kinh doanh bất chính, quảng cáo sai sự thật gây nhầm lẫn đánh lừa người tiêu dùng", Sở Công thương TP HCM đánh giá.

Tại TP HCM, năm 2009 có 22 doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp do Sở Công thương cấp phép. Năm qua, Sở này cũng tiến hành thu hồi giấy phép của 6 doanh nghiệp.

Đánh giá về hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp năm qua, Sở Công thương cho rằng hiện hình thức này đang có sự biến tướng chuyển sang mô hình kinh doanh đa cấp bất chính. Hàng hóa được bán theo hình thức đa cấp chủ yếu có nguồn gốc từ nước ngoài, trong đó có các thực phẩm chức năng, thiết bị trị liệu...

Theo Sở Công thương, các mặt hàng này thường rất khó phân biệt được với thuốc chữa bệnh, tính năng công dụng của sản phẩm không rõ ràng nên doanh nghiệp và nhà phân phối đã lợi dụng để thồi phồng, quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng.

Mặt khác, chính việc các doanh nghiệp bán hàng đa cấp được cấp phép ở tỉnh nhưng mở chi nhánh ở TP HCM đã gây khó khăn cho công tác quản lý. Trong khi đó, Sở Công thương lại không có thẩm quyền xử phạt doanh nghiệp vi phạm bán hàng đa cấp mà "quyền" này là của Cục Cạnh tranh - Bộ Công thương, nên không thể ngăn chặn kịp thời các hàng động bất chính.

Điển hình như từ năm 2008 đến 2009, Công ty Yahgo Việt Nam bị phát hiện "thổi phồng" các mặt hàng: vòng tay, dây chuyền, quần áo lót nam nữ, thực phẩm chức năng... có khả năng trị bệnh nhằm bán hàng với tỷ suất lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với giá trị thật của mặt hàng. Công ty này đã thực hiện hành vi kinh doanh qua đa cấp nhiều năm mới bị xử lý.

Không những chỉ có bán hàng đa cấp đang biến tướng khó lường, hình thức văn phòng đại diện cũng bị lợi dụng đủ kiểu để lừa gạt khách hàng. “Thực tế mô hình văn phòng đại diện đang biến tướng ngày càng tinh vi hơn”, đại diện Sở Công thương TP HCM khẳng định.

Trên địa bàn thành phố đang có 2.421 văn phòng đại diện hoạt động. Theo cam kết gia nhập WTO, các văn phòng này không được tham gia vào những hoạt động sinh lợi trực tiếp. Tuy nhiên, các văn phòng đại diện đã cố tình liên kết trung gian là một công ty của Việt Nam trên danh nghĩa đại lý, đối tác để thực hiện những hoạt động kinh doanh có thu. Thực tế, Trưởng văn phòng đại diện nước ngoài thường điều hành mọi hoạt động của công ty ở Việt Nam, thành lập đội ngũ nhân viên để tiếp thị bán hàng và nhận thu nhập dưới hình thức hoa hồng doanh số.

Ngoài ra, đối với văn phòng đại diện hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ: giám định, tư vấn, thiết kế, công nghệ thông tin, đặc biệt là kinh doanh kiều hối, rất khó phân biệt ranh giới giữa hoạt động xúc tiến, hỗ trợ với kinh doanh sinh lãi trực tiếp. Thậm chí, nhiều văn phòng đại diện chỉ tồn tại ở dạng ảo (không có không gian làm việc, chỉ thuê dịch vụ hộp thư thoại của một tòa nhà nào đó) hoặc văn phòng chia sẻ (nhiều văn phòng cùng thuê chung một không gian làm việc, diện tích mỗi văn phòng chỉ 2-3 m2).