KTĐT - Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), văn bản có hiệu lực kể từ ngày 27/1/2010.
Tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 ngàn đồng đến mức cao nhất là 30 triệu đồng. Ngoài ra, còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung như tịch thu tang vật, tước chứng chỉ hành nghề,... và thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), văn bản có hiệu lực kể từ ngày 27/1/2010.
Nghiêm khắc trừng phạt các hành vi bạo lực gia đình
Nghị định quy định 17 loại hành vi vi phạm trong lĩnh vực PCBLGĐ, trong đó có những hành vi hiện nay đang diễn ra phổ biến như đánh đập, xâm hại sức khỏe, hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình bằng cách gây thương tích bằng hung khí, không chăm sóc nạn nhân trong thời gian bị chấn thương do bạo hành. Nhiều trường hợp còn bỏ mặc thành viên là người già, trẻ em, bắt nhịn ăn, uống, giam hãm tại nơi nguy hiểm, độc hại, mất vệ sinh.., thường xuyên dọa nạt thành viên gia đình bằng các hình ảnh, con vật mà người đó sợ. Các hành vi này pháp luật quy định phạt hành chính từ 1- 2 triệu đồng/hành vi.
Mức phạt thấp nhất từ 100 ngàn đồng và tối đa là 2 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình hoặc cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý thông qua việc phát tán tư liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình, không cho nạn nhân thực hiện quyền làm việc, đọc sách báo, thường xuyên theo dõi thành viên gia đình làm tổn hại danh dự, uy tín của người đó.
Trên thực tế, có nhiều cá nhân bạo hành thành viên gia đình bằng cách kiểm soát chặt chẽ nguồn tài chính chung nhằm tạo sự phụ thuộc của người bị bạo hành vào mình hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản chung, ép buộc thành viên gia đình phải đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống. Những hành vi này sẽ bị phạt cao nhất với mức 2 triệu đồng.
Xử lý nghiêm cán bộ PCBLGĐ có hành vi vi phạm
Nhân viên tư vấn, y tế, phóng viên các cơ quan truyền thông nếu tiết lộ thông tin cá nhân của nạn nhân bạo lực gia đình mà không được sự đồng ý của nạn nhân làm ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của nạn nhân hoặc cố ý tiết lộ, tạo điều kiện cho người có hành vi bạo lực biết nơi tạm lánh của nạn nhân sẽ bị phạt tiền từ 1- 3 triệu đồng.
Nếu tổ chức, cá nhân có hành vi đòi tiền của nạn nhân sau khi có hành động giúp đỡ nạn nhân bị bạo hành hoặc lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của nạn nhân để yêu cầu họ thực hiện hành vi trái luật sẽ bị phạt 300 ngàn đồng.
Đối với việc cố tình thành lập cơ sở tư vấn về PCBLGĐ hoặc lợi dụng hoạt động PCBLGĐ để trục lợi sẽ bị phạt tới 30 triệu đồng.
Về thẩm quyền xử phạt, Chủ tịch UBND cấp xã có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền tới 2 triệu đồng và được áp dụng một số biện pháp khắc phục hậu quả. Chủ tịch UBND cấp huyện và tỉnh có quyền phạt tiền tới 30 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận, chứng chỉ. Riêng việc buộc công khai xin lỗi chỉ có UBND cấp tỉnh được yêu cầu áp dụng cho người có hành vi bạo hành.
Góp phần đẩy lùi nạn bạo hành gia đình
Tiếp theo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (có hiệu lực từ ngày 1/7/2008), Nghị định này quy định chế tài áp dụng cho những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm trong lĩnh vực PCBLGĐ. Vì bạo hành gia đình chính là mầm mống cho sự mất an ninh xã hội, nảy sinh nhiều tội phạm hình sự và trên hết làm lỏng lẻo đi hạnh phúc của mỗi gia đình, từng nhân tố của xã hội. Sự can thiệp của pháp luật chính là phương thuốc điều trị hữu hiệu những hậu quả trên.
Tổng hợp số liệu cách đây 2 năm, Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết qua nghiên cứu các kết quả về bạo lực gia đình cho thấy, bạo lực xảy ra khá phổ biến ở các vùng, miền trong cả nước. Hàng năm có khoảng 2/3 trong tổng số gia đình có hành vi bạo lực về thể chất (đánh đập); 25% gia đình có hành vi bạo lực tinh thần.
Thực tế hiện nay so với 2 năm trước, nạn bạo hành gia đình không những không thuyên giảm mà thậm chí còn có những vụ mang tính chất khá phức tạp. Điển hình như vụ mẹ đẻ cắt gân chân của con gái là cháu Hảo ở Bình Phước hoặc mới đây một phụ nữ ở Hà Nội bị chồng đánh giập gan vì những lý do hết sức đời thường... Hoặc đơn giản nhất mà chúng ta vẫn gặp thường ngày đó là việc cha mẹ bắt ép con học, ăn, mặc một cách thái quá làm đứa trẻ rơi vào trầm cảm, khủng hoảng tâm lý. Nhưng nguy hiểm nhất là các bậc cha mẹ không nhận thức được đó là bạo hành gia đình và hậu quả trầm trọng của những việc làm này.
Hưởng ứng và có thái độ tích cực trong việc PCBLGĐ, ngày 25/11/2009, Vụ Gia đình - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (MOCST), Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Liên Hợp Quốc cũng đã phát động chiến dịch truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình với chủ đề "Mình là đàn ông, mình chống bạo lực gia đình", nhằm hướng tới đối tượng là nam giới, bởi đa số họ là tác nhân gây ra bạo lực gia đình.