Trong quá trình lấy ý kiến, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội và nhiều chuyên gia, người dân vẫn còn băn khoăn và đề nghị tiếp tục được rà soát để khắc phục hạn chế.
Nhập nhèm phí, lệ phí
Pháp lệnh Phí và Lệ phí (có hiệu lực từ năm 2002) có 73 khoản phí và 42 khoản lệ phí. Danh mục các loại phí, lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh đã được Chính phủ quy định chi tiết gồm 301 khoản với 171 khoản phí và 130 khoản lệ phí. Tuy vậy, tình trạng "phí chồng phí", giả danh phí, lệ phí tràn lan... đã khiến DN và người dân phải chịu thêm rất nhiều khoản thu, hoạt động sản xuất, kinh doanh càng thêm khó khăn.
Phổ biến là những loại phí như phí trông giữ xe, phí dịch vụ chung cư thu mỗi nơi một kiểu… Rồi giáo dục, y tế cũng được coi là ngành “loạn phí” vì đầu thu nhiều, dù rằng có nhiều loại phí đã “lỗi thời” so với thực tiễn. Ngoài ra, việc thu các loại phí giao thông cũng quá dày, phí chồng phí. Rồi quỹ tổ dân phố, quỹ an ninh trật tự, quỹ khuyến học, quỹ chăm sóc giáo dục trẻ em nhân dịp 1/6 và Tết Trung thu… Với hàng trăm loại phí, lệ phí như vậy, người dân rất khó phân biệt loại nào là phí (phải nộp), loại nào là giá dịch vụ (thỏa thuận, không ép buộc), loại nào là đóng góp tự nguyện, nhưng nhiều cơ quan, tổ chức vẫn thản nhiên thu không khác gì thu các khoản phí.
Báo cáo "Tổng quan môi trường thuế Việt Nam 2014" của Công ty Vietnam Report cho biết, trung bình trong 5 năm gần đây, tỷ lệ thu từ thuế và phí/GDP của Trung Quốc là 17,3%, Thái Lan và Malaysia khoảng 15,5%, Philippines 13% và Indonesia 12%... Dù Bộ Tài chính cho rằng, so với các nước, Việt Nam thuộc diện huy động thuế, phí thuộc loại trung bình thấp, ở mức 12 - 14% GDP, song với tình trạng phí chồng lên phí và lạm thu ở nhiều nơi đang khiến mỗi người dân Việt Nam phải gánh tỷ lệ chịu thuế, phí/GDP cao gấp 1,4 - 3 lần so với các nước trong khu vực. Vấn đề lạm thu phí và lệ phí đang diễn ra một cách phổ biến trên nhiều lĩnh vực, nhiều hoạt động của xã hội. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, nông dân phải gánh đến 131 khoản đóng góp, trong đó có 93 loại phí, lệ phí mà người dân phải đóng góp theo quy định của Nhà nước và có 38 khoản đóng góp xã hội khác. Ngoài các khoản phí, lệ phí theo quy định, một hộ nông dân bình quân mỗi năm phải đóng từ 250.000 - 800.000 đồng cho các khoản.
Phải giám sát chặt chẽ
Trong tờ trình mà UBTV Quốc hội vừa cho ý kiến có thể thấy, nếu như trước đây có 73 khoản phí và 42 khoản lệ phí thì sau khi rà soát chỉ còn 51 khoản phí và 39 khoản lệ phí. Cùng với việc rà soát, Bộ Tài chính cũng đã chuyển mạnh một số khoản phí sang cơ chế giá đối với dịch vụ công, y tế, giáo dục…
Theo đại diện Bộ Tài chính, dự thảo Luật quy định, việc thu, nộp từng loại thuế cụ thể phải được thông tin công khai, rộng rãi đến người dân và DN. Chỉ có những khoản thu được quy định trong danh mục ban hành kèm theo Luật mới được coi đó là phí hay lệ phí. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu thì cho rằng: “Cần rà soát lại danh mục phí, lệ phí, trong 51 danh mục vẫn còn nhiều cái không cần thiết, không có nước nào nhiều danh mục phí như ở ta”. Còn đại diện Ủy ban Tài chính Ngân sách thì đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát bãi bỏ một số khoản phí, lệ phí có mức thu thấp, chi phí hành thu cao (như lệ phí hải quan...) nhằm góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí hành thu; một số khoản phí không phù hợp, có thể gây bức xúc cho người dân (như phí sử dụng lề đường, lòng đường, hè phố...).
Ý kiến từ phía người dân lo ngại, chuyển một số khoản phí sang cơ chế giá dịch vụ sẽ khó tránh tăng mức thu, như giáo dục hoặc viện phí... Tại buổi họp báo gần đây, bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, các loại phí, lệ phí được chia thành: Loại phí hoàn toàn theo cơ chế thị trường và một loại chuyển sang giá dịch vụ nhưng vẫn có sự kiểm soát của Nhà nước, trong đó, học phí, viện phí thuộc nhóm này. Hoặc các loại phí sử dụng đường bộ hoàn vốn các dự án BOT, phí chợ, phí bến bãi... do liên quan đến an sinh xã hội nên Nhà nước vẫn quy định giá để đảm bảo xác định thời gian thu hồi vốn hợp lý và đảm bảo an sinh xã hội. “Viện phí tiến tới tính đúng, tính đủ cho phù hợp với điều kiện mới. Khi đó, chất lượng khám chữa bệnh chắc chắn sẽ tăng, không còn phân biệt khu vực công lập hay tự nguyện, xã hội hóa. Nhiều loại phí, lệ phí mang tính chất giá dịch vụ cần xã hội hóa nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước…” - bà Mai nhấn mạnh.
Về phía các chuyên gia thì băn khoăn, thu phí rồi thì dịch vụ có tốt hơn không? Cơ quan nào kiểm tra, chế tài xử lý ra sao? Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, việc phân tích cũng như đề xuất giải pháp giảm gánh nặng phí, lệ phí cần phải căn cứ vào kết quả phân loại cũng như tính chất, quy mô thu từng nhóm. Vì phí, lệ phí cũng là một trong những nguồn thu ngân sách Nhà nước và có diện thu rộng trong đời sống nên việc ban hành này phải hết sức cẩn trọng, theo hướng sao cho phù hợp với sức huy động, khả năng chịu đựng của DN, người dân, cũng như tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt lưu ý tính công khai và minh bạch mới mong siết chặt được kỷ luật trong lĩnh vực phí, lệ phí một cách thực chất.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, để những quy định về phí và lệ phí thật sự được thực tế chấp nhận, không thể thiếu công tác tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện nhằm bảo đảm tính nhất quán, không làm "méo mó" chính sách. Xa hơn nữa là cần có tổng kết, rà soát đánh giá định kỳ. Đồng thời, các văn bản quy phạm pháp luật về phí, lệ phí được ban hành phải đủ "dung lượng" để áp dụng lâu dài, tránh cách diễn đạt đa nghĩa có thể dẫn đến tình trạng áp dụng không đồng nhất.
Thu viện phí tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư. Ảnh: Thanh Hải
|
Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai: Phải công khai, minh bạch Nhà nước không thể hoàn toàn lo nổi tất cả các vấn đề do ngân sách hạn hẹp. Vì vậy, người dân phải tham gia đóng góp cùng với Nhà nước. Tuy nhiên, người dân tham gia mức độ nào, Nhà nước tham gia mức độ nào thì phải công khai, minh bạch. Chỗ này chúng ta chưa rõ ràng nên vẫn còn nhập nhằng. Làm rõ được những vấn đề đó thì người dân tham gia đóng góp mới thấy được sự đóng góp của mình cùng với của Nhà nước là hữu ích. |
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên: Cần hợp pháp, hợp lý, hợp tình Vừa qua, UBTV Quốc hội đã yêu cầu Bộ Tài chính làm đầu mối chủ trì giúp Chính phủ rà lại danh mục hiện hành để xem những loại phí, lệ phí nào có thể bỏ, loại nào cần bổ sung. Để phù hợp với bản chất của kinh tế thị trường, phù hợp với yêu cầu phát triển hội nhập thì phải phân biệt rất rõ đâu là phí, đâu là lệ phí, đâu là giá, đâu là thuế để đưa về quản lý theo nguyên tắc của những công cụ kinh tế đó và chấn chỉnh để sao cho sự đóng góp vừa với sức dân, vừa với các đối tượng. Có như thế mới tạo được sự đồng thuận của xã hội. |
Luật sư Vũ Xuân Tiền (Hội Luật gia Hà Nội): Người dân có quyền khiếu nại Luật hiện còn quá nhiều loại phí và lệ phí thực chất không còn phù hợp song người dân vẫn phải nộp với nhiều mức thu khác nhau như phí trông giữ xe, đấu thầu kinh doanh VSMT, đầu tư cho thuê bến bãi... Quy định về phí ở các trường hợp này vừa không đúng bản chất loại hình mà người dân phải trả tiền, vừa không đúng mức tiền (vì mức tiền thu vô tội vạ) và ngân sách thực tế không được gì. Số phí thu được được xác định là doanh thu của tổ chức, cá nhân thu phí và họ chỉ phải nộp thuế theo quy định. Nếu đã huy động thêm “tiền túi” của dân thì phải có người chịu trách nhiệm cụ thể, có chế tài thích đáng khi làm sai hoặc mục đích không đạt. Vấn đề này phải được tăng cường kiểm soát và người dân cũng nên lên tiếng phản ánh nếu thấy các khoản phí, lệ phí bất hợp lý. |
Anh Đặng Đình Trung (Truyền hình Cáp, Hà Nội): Ô tô “cõng” quá nhiều thuế, phí, lệ phí Người dân đang cõng quá nhiều loại thuế, phí. Riêng với ô tô đắt hơn nhiều các nước vì phải nộp quá nhiều loại thuế và phí cho việc sử dụng, lưu hành xe ô tô, cụ thể: Thuế nhập khẩu (nếu mua xe nhập khẩu 100%), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường thu qua xăng dầu (trước đây là phí xăng dầu), lệ phí đăng ký trước bạ, lệ phí cấp biển số xe, phí đăng kiểm kỹ thuật xe, phí sử dụng đường bộ nộp hàng năm hay kỳ đăng kiểm theo quy định pháp luật về bảo trì đường bộ do Nhà nước đầu tư, phí sử dụng đường bộ do DN đầu tư nộp tại trạm thu phí BOT. |