Ủng hộ chủ trương tiến tới BHYT toàn dân, song nhiều ĐB cũng cho rằng, lộ trình cần phải được tiến hành linh hoạt, với những bước đi phù hợp.
Theo ban soạn thảo, quy định BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc nhằm thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân. Không bắt buộc sẽ không thể tiến tới BHYT toàn dân. Luật không bắt buộc sẽ chỉ có lựa chọn ngược, người ốm mới mua bảo hiểm và như vậy không đảm bảo tính chất chia sẻ trong cộng đồng.
Tuy nhiên, theo ĐB Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP Hồ Chí Minh), hiện 30% dân số chưa có thẻ BHYT, nếu bắt buộc phải mua BHYT thì tỷ lệ bao phủ có thể tăng lên được bao nhiêu. "BHYT bắt buộc liệu có thực hiện được không vì hiện nay 42% vẫn là Nhà nước trợ cấp", trong khi Dự thảo sửa đổi Luật chưa nêu rõ điều này.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, để bảo đảm sự công bằng cho người đóng BHYT nên chia gói BHYT theo các mức độ khác nhau, ai có khả năng như thế nào thì chọn gói BHYT ấy để người dân không cảm thấy bị phân biệt. Về quy định mua BHYT toàn hộ gia đình, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng, các nhóm đối tượng tham gia BHYT, đặc biệt là BHYT tự nguyện còn khó khăn. Cùng quan điểm nay, ĐB Trịnh Thế Khiết (đoàn Hà Nội) kiến nghị nên cho phép mua BHYT tùy theo khả năng của hộ gia đình vì nhiều trường hợp nhà có 10 người, nhưng chỉ có khả năng mua cho 5 người và phải có lộ trình.
Thảo luận các vấn đề liên quan đến đối tượng, mức đóng, trách nhiệm và phương thức đóng BHYT; thẻ BHYT; thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT... có ý kiến cho rằng, cần quy định thời gian mua BHYT bao lâu thì được giảm chi phí mua lần tiếp hay mua bao lâu thì được chi trả 100%. ĐB Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) đồng tình: Cần có một loại hình BHYT cao hơn ngoài BHYT Nhà nước do Nhà nước hoặc tư nhân làm. Ở đây, người dân có nhu cầu thì mua và được sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao ở BV Nhà nước hay tư nhân mà không bị khống chế mức trần.
Theo các ĐB, để đảm bảo tính khả thi của quy định mới, phải xác định tính kinh tế, tính chuyên nghiệp của BHYT bên cạnh tính xã hội và cần có sự cân bằng giữa các bên, nếu không chính sách sẽ bị méo mó, không đạt được mục tiêu đề ra. Điều quan trọng nhất đối với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật là cải tiến mạnh mẽ các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia BHYT, tiếp cận dịch vụ, thanh toán, công khai minh bạch trong vấn đề chi trả, sử dụng Quỹ BHYT...
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
|
Thảo luận về dự án Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), đa số các ĐB đồng tình với việc hạ độ tuổi đăng ký kết hôn đủ 18 tuổi trở lên cho cả nam và nữ và quy định cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại, nhưng cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Về quy định kết hôn giữa những người cùng giới, các ĐB cho rằng, chung sống người cùng giới tính là một hiện thực trong xã hội. Trước đây, nhiều người cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm, bất bình thường. Nhìn dưới góc độ quyền tự nhiên con người thì đồng ý nên bỏ quy định cấm kết hôn giữa người đồng tính thay bằng quy định mới: "Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính". Theo ông Dương Đăng Huệ (Bộ Tư pháp) - Tổ trưởng Tổ soạn thảo dự thảo Luật, hôn nhân đồng tính ở 197 nước, nhưng chỉ có 16 quốc gia thừa nhận kết hôn đồng tính, đó là những nước tự do tình dục lớn nhất, chứ ở châu Á chưa có nước nào. "Bỏ cấm không thừa nhận, quy định như vậy đã là tiến bộ". |