Bản lĩnh phái đẹp khởi nghiệp mùa dịch Covid-19

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với khả năng thích ứng, chịu áp lực, mềm dẻo, linh hoạt… những nữ startup đã có nhiều chiến lược ứng phó hiệu quả, đổi mới sáng tạo, biến “nguy” thành “cơ” trong đại dịch. Ngoài đóng góp tới 40% của cải cho nền kinh tế nước nhà, các DN do phụ nữ làm chủ còn thể hiện nhiều ưu điểm hơn, như sử dụng nhiều lao động nữ, chi trả bảo hiểm xã hội cao hơn, chi phí tạo ra một việc làm thấp hơn, giải quyết nhiều thách thức xã hội…

Linh hoạt chèo lái doanh nghiệp vượt "bão"
Dịch Covid-19 đã làm cả thế giới chao đảo, Việt Nam cũng không ngoại lệ. DN bị thất thu, người lao động không có việc làm. Trong cơn "cuồng phong" này, các  DN do phụ nữ khởi nghiệp, lãnh đạo, làm chủ cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, với bản lĩnh sáng tạo, cùng sự tinh tế, nhiều nữ giám đốc đã khéo léo chèo chống con thuyền DN của mình vượt bão dịch, giải quyết thách thức của xã hội.
Là một startup nhỏ hoạt động trong lĩnh vực ẩm thực, Công ty CP Thực phẩm sạch Từ Tâm gặp nhiều khó khăn trong việc phân phối sản phẩm khi TP thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch. Nhưng với sự nhanh nhạy, chị Đinh Hải Yến – Giám đốc Công ty CP Thực phẩm sạch Từ Tâm đã khéo léo thay đổi mô hình kinh doanh.
“Dịch bệnh khiến hành vi tiêu dùng thay đổi, thay vì đến mua hàng trực tiếp, các bà nội trợ chuyển sang mua hàng qua mạng. Để đáp ứng nhu cầu mới này, tôi đã chuyển sang chế biến những món ăn sẵn để bán hàng online. Nhờ nắm bắt được nhu cầu của thị trường, nên doanh thu tăng trưởng gấp 3 lần trước khi có dịch” – chị Đinh Hải Yến chia sẻ.
 Chị Đinh Hải Yến - Giám đốc Công ty CP Thực phẩm sạch Từ Tâm livestream bán hàng
Cũng bắt đầu từ câu chuyện riêng của bản thân – một phụ nữ 30 tuổi lần đầu làm mẹ, mất cân bằng và loay hoay với những thay đổi hormone, sức khỏe xuống cấp, cùng những xáo trộn trong cuộc sống, Trần Thanh Huyền – founder True Juice đã khởi nghiệp thành công với mô hình kinh doanh nước ép rau củ quả. Bằng chính nhu cầu và trải nghiệm mua sắm của mình, Trần Thanh Huyền đã tạo ra một loại thức uống bổ dưỡng đi kèm dịch vụ chu đáo, tận tình. Vì vậy, DN của cô vẫn đứng vững và có doanh thu tăng trong đại dịch.
Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học công nghệ và Khởi nghiệp Lê Thị Khánh Vân cho rằng, bản thân phụ nữ vốn được thiên phú cho sự nhạy cảm, mềm mại, linh hoạt… Vì vậy, trong đại dịch Covid-19, sở trường này đã được phát huy tối đa.
Thực tế, với những DN do phụ nữ lãnh đạo có khả năng thích ứng, chịu áp lực và linh hoạt nên đã có nhiều cơ hội biến “nguy” thành “cơ” với các chiến lược ứng phó hiệu quả, đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, phụ nữ cũng thường quan tâm hơn tới các vấn đề xã hội, vừa cân bằng yếu tố nhân văn, vừa giải quyết các thách thức xã hội.
Thực tế cũng cho thấy, các DN do phụ nữ làm chủ thể hiện nhiều ưu điểm hơn như sử dụng nhiều lao động nữ hơn, chi trả bảo hiểm xã hội cao hơn, chi phí tạo ra một việc làm thấp hơn, giải quyết nhiều thách thức xã hội và có rất những tấm gương tiêu biểu trong giải quyết thách thức xã hội trong Covid-19.
Cùng chung nhận định này, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, thời gian qua, trên cả nước đã có nhiều phụ nữ không ngừng học hỏi, sáng tạo, phát huy nội lực, và khởi nghiệp thành công. Từ đó khẳng định sự đam mê, khát khao đổi mới sáng tạo của phụ nữ Việt Nam. Theo thống kê, cứ 4 DN tư nhân của Việt Nam sẽ có 1 DN do phụ nữ lãnh đạo. Nữ giới đóng góp tới 40% của cải cho nền kinh tế Việt Nam.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, những thách thức đối với các DN và công ty khởi nghiệp tại Việt Nam là vô cùng lớn. Nhưng, với khả năng phát hiện cả các vấn đề nhỏ, tinh vi để giải quyết, tính toán linh hoạt, chống chịu cao, khả năng khéo léo trong giao tiếp, tinh thần đổi mới sáng tạo và chỉn chu trong từng việc mình làm, nên nhiều phụ nữ đã khởi nghiệp thành công trong mùa dịch” – Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Thanh Tùng bày tỏ.
Bước đệm từ chính sách
Những năm gần đây, đổi mới sáng tạo là hoạt động thường xuyên, liên tục, có mặt ở mọi ngành nghề, lĩnh vực và vai trò của phụ nữ trong đổi mới sáng tạo là yêu cầu tiên quyết, có ý nghĩa, mang lại giá trị tích cực. Tuy nhiên, theo Chủ tịch hội đồng Doanh nhân nữ Nguyễn Thị Tuyết Minh, phụ nữ Việt Nam vẫn còn gặp nhiều rào cản, thách thức trong phát triển bản thân.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh chia sẻ thêm, thời gian qua, để tìm ra giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phụ nữ hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển DN, Chính phủ, cùng các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ về cơ chế, chính sách, tài chính… tạo bước đệm cho phụ nữ khởi nghiệp. Trong đó có thể kể đến Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025” được Thủ tướng Chính phủ thông qua; các gói vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội; các chương trình đào tạo, tập huấn…
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội Nguyễn Thị Hảo cho biết, xã hội ngày càng phát triển, hội nhập kinh tế thế giới với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0 và những diễn biến của đại dịch Covid-19 sẽ tạo ra không ít thách thức, song với nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước và TP Hà Nội đã mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ đổi mới, sáng tạo chứng tỏ năng lực bản thân trong mọi lĩnh vực.
Đối với Hà Nội, Đề án hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp đến năm 2025 là tiền đề quan trọng để hỗ trợ nuôi dưỡng, phát triển, hiện thực hóa các ý tưởng khới nghiệp của phụ nữ Thủ đô và khuyến khích phụ nữ mạnh dạn, tự tin khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp theo hướng phát triển sáng tạo, bền vững. Qua đó, góp phần hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô. Qua 4 năm triển khai, nhiều chị em phụ nữ đã nỗ lực vượt khó vươn lên, cố gắng đổi mới, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh. Vừa tích cực hưởng ứng hàng tỷ đồng cho các hoạt động thiện nguyện, phòng chống dịch, vừa đổi mới sáng tạo trong phương thức, duy trì sản xuất, kinh doanh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần