Hiệp hội Truyền hình trả tiền muốn tạo một liên minh đàm phán bản quyền với chi phí thấp nhất, trong khi K+ nhất định đòi ly khai với lý do không thể chờ đợi hơn nữa.
K+ đòi ly khai
Nhận được sự ủng hộ từ Bộ TT&TT, từ cuối năm 2015, Hiệp hội Truyền hình trả tiền đã thành lập Ban đàm phán bản quyền gồm hầu hết các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình, trong đó có K+. Mục tiêu lớn nhất của liên minh này là gây áp lực đối với công ty đang nắm bản quyền truyền hình là MP&Silva. Ban đàm phán khẳng định chỉ mua bản quyền với giá không vượt quá 20% so với bản hợp đồng giai đoạn 2013 - 2016. Họ cũng không chấp nhận việc đưa ra những gói độc quyền và sẵn sàng cho kịch bảnViệt Nam không có sóng Ngoại hạng Anh.
Rất nhiều người đã trông đợi vào “trận đấu” hấp dẫn giữa Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam với MP&Silva. Người ta cho rằng, nếu biết tận dụng lợi thế của mình bằng một liên minh chặt chẽ, các nhà đài Việt Nam hoàn toàn có thể gây sức ép với MP&Silva để mua bản quyền với mức giá hợp lý nhất. Bởi lẽ, MP&Silva phải tìm đối tác bán bản quyền nếu không muốn lỗ và mất uy tín với Ban tổ chức giải Ngoại hạng Anh. Chắc chắn người Anh không chấp nhận mất chỗ đứng ở một thị trường đông dân như Việt Nam.
Thế nhưng, mới đây, K+ đã công khai ý định rời khỏi liên minh mà chính họ đã đặt bút ký thành lập. Lý do mà đơn vị này đưa ra là không thể chờ đợi lâu hơn nữa do Hiệp hội Truyền hình trả tiền vẫn chưa thể đưa ra một luật chơi chung cho việc đàm phán mua bản quyền. Khi mà phương án phân chia bản quyền, giá cả dự định mua chưa thể thông qua thì chiến lược kinh doanh của K+ sẽ bị ảnh hưởng. Với những lý do đó, K+ đề nghị được chủ động trong việc đàm phán mua bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh như trước đây họ vẫn làm.
Kịch bản được dự báo trước
Trong quá khứ, nhiều lần người ta hô quyết tâm cần phải có sự liên thủ giữa các nhà đài trong việc đàm phán mua bản quyền truyền hình các giải đấu thể thao. Bởi điều này sẽ giúp giảm thiểu chi phí tài chính. Nhiều lần, những liên minh được kỳ vọng đã được thành lập nhưng mau chóng chết yểu bởi người trong cuộc vẫn thích đi riêng hơn là tìm tiếng nói chung, hành động chung trong “trận đấu” với một công ty nước ngoài.
Khi Ban đàm phán bản quyền truyền hình được thành lập trước sức ép từ dư luận và định hướng từ các cơ quan quản lý Nhà nước, nhiều người đã hy vọng vào sự thay đổi trong “trận đấu” với MP&Silva. Bởi lẽ, các đài truyền hình nhận ra rằng, họ không thể mãi đấu với nhau để mang đến lợi thế cho những công ty nước ngoài. Hơn thế nữa, nếu không có sự liên thủ và một luật chơi chung, rất có thể thị trường Việt Nam sẽ không còn chịu được mức tăng phi mã của bản quyền truyền hình.
Ấy vậy mà khi tiếng nói đồng thuận được hô rất to, nhiều người vẫn nghi ngờ vào thực tâm của các đơn vị truyền hình - họ sẽ vẫn xé rào đi riêng để đạt được mục đích của mình. Và, MP&Silva - đơn vị vốn có thừa sự lọc lõi về kinh doanh cũng rất biết cách để đào sâu mối mâu thuẫn giữa các nhà đài. Họ cố tình trì hoãn việc thương thảo hợp đồng với Hiệp hội Truyền hình trả tiền để chờ vào sự nóng ruột của các nhà cung cấp dịch vụ. Và cuối cùng thì tất cả đã biết, K+ đã không thể chờ đợi thêm nữa. Họ quyết định đi riêng và đương nhiên, liên minh vốn được xây dựng một cách lỏng lẻo giữa các nhà đài sẽ sụp đổ. Khi ấy, được lợi lớn nhất chính là MP&Silva, và họ sẽ được ngồi một chỗ để chờ các “bạn hàng” đến… nộp tiền!
Cạnh tranh cứ phải độc quyền?
K+ không muốn đi theo liên minh được dẫn dắt bởi Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam. Nói đúng hơn, họ không chấp nhận luật chơi mà Hiệp hội này đưa ra, đó là “không độc quyền”. Bởi nhiều người cho rằng, nếu luật chơi này được áp dụng, ưu thế mang đến thương hiệu cho K+ suốt 6 năm qua là “độc quyền” trận siêu hạng ngày Chủ nhật sẽ mất đi.
K+ quyết định xé rào bởi muốn duy trì ưu thế cạnh tranh với các đối thủ bằng sự độc quyền. Đây không phải là điều gì mới mẻ, bởi cách đây 9 năm, VTC cũng chính là đơn vị chọn độc quyền là thứ vũ khí linh diệu nhằm đánh bại đối thủ. VTC đã qua mặt VTV trong việc trả giá bản quyền truyền hình với con số kỷ lục. Và sau đó, K+ - một đơn vị mới hơn cũng chọn con đường mà “người tiền nhiệm” đã đi, đó là độc quyền.
Các nhà đài khác từng chỉ trích VTC phá giá để độc quyền. Sau này và cả bây giờ, VTC và nhiều đơn vị khác cũng chỉ trích K+ bởi sự độc quyền. Thậm chí, người ta còn liên tưởng đến cái gọi là “lợi ích nhóm”, “chuyển giá” khi K+ sống chết phải chạy theo cuộc chiến về bản quyền trong bối cảnh nhà đài này chưa có lãi và số nợ thì ngày một tăng.
K+ thì cho rằng, họ làm những điều mà luật không cấm. Hơn thế nữa, việc sở hữu bản quyền nằm trong chiến lược kinh doanh của đơn vị này. Tất nhiên là K+ có cái lý để bảo vệ quan điểm kinh doanh của mình. Khán giả cũng phải đứng trước lựa chọn, hoặc bỏ tiền xem bóng đá, hoặc phải chọn các kênh truyền hình khác phù hợp với mình.
Nhưng câu hỏi đặt ra, có nhất thiết là các đơn vị truyền hình phải cạnh tranh bằng sự độc quyền bản quyền bóng đá? Tại sao họ không cạnh tranh bằng nội dung, bằng sự ưu việt của công nghệ cũng như các chương trình đồng hành. Một khi các nhà đài cứ mê mải chạy theo sự độc quyền về bản quyền thì họ sẽ trở thành chùm khế ngọt để các công ty nước ngoài thỏa sức hái.
Truyền hình cũng như bất cứ lĩnh vực nào khác trong xã hội phải có cạnh tranh để phát triển. Nhưng, tại sao các nhà quản lý không tạo ra một sân chơi bình đẳng và một hành lang nhằm đảm bảo sẽ không có sự chảy máu ngoại tệ như bấy lâu vẫn xảy ra. Cạnh tranh bằng trí tuệ mới tạo ra động lực phát triển cho ngành truyền hình. Vậy nên, đã đến lúc các nhà đài cần ngồi lại với nhau, tìm ra nhận thức chung cho sự cạnh tranh chứ không phải đua nhau “đốt tiền”.
Câu chuyện bản quyền bóng đá vẫn đang gây nhiều tranh cãi hiện nay.
|