Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh: Khó tìm được sự thống nhất

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất chấp việc một liên minh giữa các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình đã được hình thành, nguy cơ về việc một vài đơn vị sẽ rẽ ngang vẫn còn hiện hữu. Và khi ấy, mục đích tốt đẹp ban đầu khó mà thành hiện thực.

Sau rất nhiều nỗ lực của Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) cũng như Bộ TT&TT, một liên minh giữa các nhà cung cấp dịch vụ trong việc đàm phán mua bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh đã được hình thành. Hiệp hội này do ông Lê Đình Cường - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNPayTV đứng đầu và quy tụ 10 đơn vị gồm: VTV, VTC, Đài PT-TH Hà Nội, VTVcab, Truyền hình cáp Hà Nội, VTC Digital, SCTV, VSTV, AVG, VNPT Media, Viettel Telecom, FPT Telecom.
Bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh: Khó tìm được sự thống nhất - Ảnh 1
Theo ông Cường, ban đàm phán sẽ sớm liên lạc với Công ty MP & Silva - đơn vị đang nắm bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh để lên lịch làm việc. Bất chấp việc giá bỏ thầu của Công ty MP & Silva giai đoạn 2016 - 2019 cao hơn rất nhiều so với trước đây, nhưng các đối tác tại Việt Nam đã thống nhất quan điểm sẽ không mua bản quyền nếu giá tăng quá 20% so với bản hợp đồng trước đây. Nếu giá quá cao, các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình ở Việt Nam thống nhất sẽ không mua bản quyền. Đây được coi là áp lực buộc Công ty MP & Silva phải tính toán để đưa ra một mức giá hợp lý nhất.

Tham gia ban đàm phán mua bản quyền truyền hình lần này chỉ có 10 đơn vị, thiếu nhà cung cấp dịch vụ quan trọng là K+. Ai cũng biết K+ chính là đơn vị nắm bản quyền giải Ngoại hạng trong suốt 6 năm qua với mức giá cao nhất. Với động thái này, nhiều người lo ngại K+ sẽ rẽ ngang trong đàm phán truyền hình như trước họ đã từng làm. Hơn thế, không có bất cứ chế tài nào buộc các đài truyền hình đứng ngoài cuộc đàm phán với Công ty MP & Silva, bởi liên minh hiện nay hình thành theo nguyên tắc tự nguyện và không có gì ràng buộc.

Ai cũng biết K+ có mối quan hệ đặc biệt với Canal + - hãng truyền hình hàng đầu của Pháp, đơn vị đã mua bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh sau đó bán lại cho K+ trong giai đoạn 2013 - 2016. Đây chính là lý do khiến Bộ TT&TT và cả VTV - đơn vị đang nắm tới 51% cổ phần K+ không thể can thiệp. Vì thế, một khi K+ không tham gia liên minh do VNPayTV đứng đầu có nghĩa là họ chẳng có lý do gì phải tuân thủ luật chơi chung ấy. Nếu K+ cảm thấy tự tin về bài toán kinh doanh của mình thì họ hoàn toàn có thể nói chuyện riêng với Công ty MP & Silva giống như trước đây. Và khi ấy, liên minh do VNPayTV chủ trì đương nhiên sẽ đổ vỡ. Các đài truyền hình sẽ mạnh ai nấy chạy để đảm bảo quyền lợi của mình như cách đây 3 năm, khi mà K+ nắm bản quyền ngày Chủ nhật thì VTV cab, SCTV, HTV lập tức mua gói không độc quyền ngày thứ Bảy với cái giá cao ngất.

Cuộc chiến với đối tác nước ngoài chưa bắt đầu nhưng trong đội ngũ các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình tại Việt Nam đã có những ý nghĩ khác. Hy vọng rằng, người trong cuộc sẽ tìm được tiếng nói chung trong vấn đề hết sức nhạy cảm này.