KTĐT - Lần nào đổ xăng bán rong trên đại lộ Thăng Long, xe máy của anh Thắng ở Thạch Thất (Hà Nội) cũng khó nổ. Không chỉ vậy, xăng bán rong còn có mức giá "cắt cổ".
Chị Nguyễn Thị Loan, bán mũ bảo hiểm trên đại lộ Thăng Long - một trong những khách hàng thường xuyên của các điểm bán xăng này phàn nàn, cùng được quảng cáo là xăng A92 xịn, nhưng màu xăng không giống nhau tại một số điểm bán. Chị cho biết, chiều 27/2, đổ xăng ở cây xăng bán rong bên phía đường xuôi từ Thạch Thất về trung tâm với giá 24.000 đồng một lít, chị thấy xăng đựng trong chai thủy tinh có màu nhờ nhờ vàng. Nhưng chỉ 5 ngày sau, chị đổ thêm 1 lít xăng A92 tại làn đường đối diện với giá 22.000 đồng, thì lại thấy xăng có màu xanh.
Tại làn đường dành cho xe máy trên đại lộ Thăng Long có khoảng gần 60 điểm bán xăng lưu động. 5 km đường gom đầu tiên, chiều từ trung tâm thành phố Hà Nội xuôi về Thạch Thất, đếm sơ cũng thấy có đến gần chục điểm bán là các quán nước ven đường. Xăng bán kiểu này thường đựng trong chai thủy tinh, xếp trên ghế nhựa.
Chị Bùi Thị Hường, kinh doanh xăng đầu đường gom đại lộ cho hay, từ ngày con đường hiện đại nhất Việt Nam thông xe, cũng là lúc mọc lên những hàng bán xăng như nhà chị. Giá xăng tại đây thường cao so với chỗ khác
Theo khảo sát của PV, giá bán xăng tại các điểm bán rong trên đại lộ Thăng Long luôn cao hơn mức giá ở cây xăng ít nhất 4.000 đồng một lít. Trước kia, khi xăng vẫn 16.400 đồng một lít, thì tại đường này, giá phổ biến khoảng 20.000 đồng. Nhưng từ khi xăng tăng lên 19.300 đồng một lít, thì tất cả các điểm bán xăng rong tại đây đều tăng giá bán lên 22.000 đồng, có khi lên tới 29.000- 30.000 đồng đối với xăng A92.
Chiều 2/3, một người bán xăng tại đầu đường gom chiều Trần Duy Hưng- đại lộ báo giá xăng A92 22.000 đồng một chai thủy tinh 75 ml. Tính ra, mỗi lít xăng này giá gần 30.000 đồng một lít. Trong khi đó, các cửa hàng tiếp theo, chỗ thì báo 22.000 đồng, chỗ 24.000 đồng, hoặc lên tới 26.000 đồng một lít.
Giải thích về mức giá đắt đỏ của xăng bán rong, chị Thu, bán xăng trên đại lộ này đoạn gần ngã rẽ sang đường 70 chia sẻ, vì hàng bán chậm và ít, nên phải đẩy giá lên. Chị kể, quãng đường dài mấy chục km thì cứ trung bình 500 m lại có một người bán nên khá vắng khách. Đây cũng là nguyên nhân, người bán xăng nào cũng hình thành quan niệm 'chém' được ai là 'chém'.
Anh Dũng, bán xăng tại làn đường gom đối diện cho hay, đây là giá chung trên đường này. "Trước đến nay, giá đều như thế rồi. Nếu ai 'phá giá' mà bán thấp đi, thì kiểu gì cũng bị những người cùng nghề bán xăng rong trên đường này phản ứng. Vì thế, chẳng việc gì phải bán rẻ đi, vừa xích mích, vừa lãi ít", anh Dũng phân trần.
Ngoài những hàng xăng "cắm chốt" trên đại lộ, còn có nhiều người treo bảng quảng cáo "bán xăng, vá xe..." kèm số điện thoại để khách có nhu cầu. Gọi đến một trong những số điện thoại quảng cáo kiểu này, PV được báo giá xăng A92, mang đến tận xe là 24.000 đồng một lít. Nếu mua cả bình, giá thì sẽ giảm còn 23.000 đồng.
Theo phản ánh của nhiều người lưu thông trên đại lộ này, việc bán xăng với giá cao chót vót đã diễn ra từ rất lâu mà chưa được chấn chỉnh. Anh Tùng nhà ở Từ Liêm, hay đi từ đại lộ về đường 70 thì cho rằng, do đoạn đường này có quá ít cửa hàng xăng dầu, còn người đi đường, thấy đường dài mà xe sắp hết xăng, sợ phải dắt xe, nên chấp nhận bị "chém" mua xăng giá đắt. Đây cũng là cơ hội để các hàng bán xăng rong được dịp đẩy giá lên cao.