Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bánh Trung thu truyền thống lên ngôi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Còn gần nửa tháng nữa là đến Rằm Trung thu, trái với tình trạng ế ẩm của các nhãn hiệu bánh công nghiệp bắt đầu "nhấp nhổm" bán hạ giá, các cửa hàng bán bánh Trung thu truyền thống lại đông nghịt khách.

Xếp hàng mua bánh Trung thu 

Từ một tuần nay, tại Hà Nội, cảnh chen lấn mua bánh Trung thu tại một cơ sở truyền thống đã diễn ra. Chị Tâm, một trong số khách hàng đang chen chúc trước một tiệm bánh Trung thu cổ truyền trên phố Thụy Khuê cho biết, nhà chị ở Hoàng Quốc Việt, cách hơn 4km nhưng đã phải xếp hàng quay vòng hai lần từ 5 giờ 30 sáng để mua 4 hộp bánh nướng, bánh dẻo (theo quy định của cửa hàng). Trước  chị, nhiều người khác đã phải có mặt từ sáng sớm để chờ cửa hàng mở cửa. Nhiều người không cần chờ đóng hộp mà xách luôn túi nilon đựng những chiếc bánh mới ra lò còn nóng hổi. Cả một đoạn phố ùn tắc vì cảnh mua bán này. 

 
Khách xếp hàng chờ mua bánh tại cơ sở sản xuất bánh Trung thu Bảo Phương trên phố Thụy Khuê chiều 6/9. Ảnh: Đức Giang
Khách xếp hàng chờ mua bánh tại cơ sở sản xuất bánh Trung thu Bảo Phương trên phố Thụy Khuê chiều 6/9. Ảnh: Đức Giang
Người dân trên tuyến phố Thụy Khuê cho biết, vài năm trước, cảnh chen lấn xô đẩy mua bánh thường xuyên diễn ra đã làm cho ông chủ nảy sinh ý tưởng dùng "tem phiếu" đánh số để khách đến mua hàng bốc thăm. Sau đó, khách sẽ xếp hàng và dựa theo số thứ tự của mình để vào mua bánh. Ngoài chất lượng, giá bánh bánh Trung thu bán ở đây dao động từ 40.000 đồng/chiếc (bánh nướng, dẻo đậu xanh hạt dưa, bánh dẻo nhân cốm) đến trên 60.000 đồng/chiếc (bánh nướng dẻo thập cẩm gà quay)… Với mức giá này trung bình một hộp bánh (gồm 2 bánh nướng, 2 bánh dẻo) cũng 160.000 - 240.000 đồng.

Tương tự, tại một cửa hàng bánh cổ truyền trên phố Hàng Bè, chị Lan, một người mua hàng cho biết, phải 3 lần chạy xe qua đây nhưng vẫn chưa có được loại đúng ý. Chị nói: "Năm nào tôi cũng chỉ ăn bánh ở đây bởi mọi người trong gia đình đều thích loại bánh dẻo đậu xanh trứng của cửa hàng nhưng mấy lần đến đều hết. Lần này tôi phải cố chờ đến lúc có".

Tại cửa hàng Gia Thịnh, phố Hàng Đường, lượng khách hàng cũng khá đông. Bánh nướng, bánh dẻo của cửa hàng này đều làm theo phương thức truyền thống với lá chanh, mỡ phần, mứt bí, mứt sen... 

“Ăn theo” bánh gia truyền

Phố Thụy Khuê giờ đây đã trở thành phố bán bánh Trung thu truyền thống của Hà Nội. Nổi tiếng nhất vẫn là Bảo Phương, và sau đó là bánh Tuấn Anh, nhưng ngoài ra còn có hàng chục cửa hàng bán bánh Trung thu với đủ mọi tên tuổi đã xuất hiện. Ngoài ra, phố Hàng Đường, Hàng Lược, Hàng Cót... cũng có rất nhiều cửa hàng bày bán bánh Trung thu truyền thống, chủ yếu là bánh của hai làng nghề là Xuân Đỉnh (huyện Từ Liêm) và La Phù (huyện Hoài Đức).

Xu hướng quay trở lại với bánh Trung thu truyền thống đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Trên các trang web như: Webtretho, lamchame, các bà mẹ thành thị đang xôn xao tìm các loại bánh nướng, bánh dẻo truyền thống. Nắm bắt được tâm lý này của thực khách, rất nhiều cửa hàng bán bánh Trung thu mọc lên với đủ mọi tên tuổi và quảng cáo là cơ sở làm bánh gia truyền. Tuy nhiên, rất nhiều trong số đó, trên nhãn sản phẩm chỉ ghi dòng chữ "bánh Trung thu gia truyền" mà không hề có tên cơ sở sản xuất, thành phần, hạn sử dụng... Khi người mua thắc mắc, những người bán bánh loại này khẳng định, đây là loại bánh gia truyền của gia đình có tiếng nhiều năm. Tuy nhiên, giá thành ở đây cũng không rẻ. Một chiếc bánh nướng nhân thập cẩm (không có trứng), giá thấp nhất 40.000 - 50.000 đồng. Còn với chiếc bánh thập cẩm, 2 trứng giá 60.000 đồng/chiếc. Trong khi đó, chủ một cơ sở bánh Trung thu ở thôn Đông, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm cho biết, giá thành cho 1kg bánh Trung thu là 75.000 đồng (khoảng 16.000 đồng/chiếc). Khi bán lẻ, giá mỗi chiếc bánh có thể từ 18.000 - 20.000 đồng/chiếc.

Hà Nội có trên 120 cơ sở lớn, nhỏ sản xuất bánh Trung thu. Mặc dù kết quả kiểm tra mới đây của Sở Y tế Hà Nội với 24 mẫu bánh Trung thu tại những cơ sở này đều đạt yêu cầu về chất lượng nhưng các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo, bên cạnh những cơ sở làm bánh có uy tín hiện có không ít cơ sở sản xuất bánh “nhái” thương hiệu không đảm bảo ATTP, các loại bánh này thường không ghi ngày sản xuất, chỉ ghi hạn sử dụng, đánh tráo bánh "rởm" vào bánh "xịn", tráo tem giá bánh... Vì thế, người tiêu dùng nên chọn mua bánh Trung thu có bao bì còn nguyên vẹn, kín, không bị thủng, xì hơi, có tên bánh, cơ sở sản xuất, thành phần...