Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Báo cáo đánh giá tác động môi trường kém: Gia tăng nguy cơ gây ô nhiễm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhiều báo cáo đánh giá tác động môi trường được thẩm định "chay" trên bàn giấy. Thậm chí có cả nạn "cắt dán" từ báo cáo này sang báo cáo khác, cách làm cẩu thả này sẽ gây hậu họa cho mai sau đó là tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...

Đây là nhận định của các nhà khoa học tại Hội nghị quốc gia về đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và cam kết bảo vệ môi trường (CBM) được Bộ TN&MT tổ chức mới đây.

Thẩm định “chay” chiếm khoảng 70%

Theo Cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường,  chất lượng công tác thẩm định ĐTM vẫn còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp do không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM nên đã tự động đưa dự án vào vận hành, bỏ qua thủ tục báo cáo kết quả thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường. Kết quả ĐTM được coi là công cụ để phòng ngừa những rủi ro về môi trường, làm cơ sở để xét duyệt triển khai các dự án. Thế nhưng, 5 năm qua, có khoảng 50 dự án không được Hội đồng thẩm định của Bộ TN&MT thông qua do báo cáo tác động môi trường  không có những biện pháp thích đáng để phòng ngừa, giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường. Một số dự án bị từ chối vì vi phạm cam kết bảo vệ môi trường như dự án nâng công suất nhà máy bia (Nghệ An), Nhà máy nhiệt điện Ô Môn 3, dự án mở rộng và nâng công suất của Vedan…

TS Nguyễn Khắc Kinh, Phó Chủ tịch Hội Đánh giá Tác động Môi trường Việt Nam thừa nhận thực trạng "cắt dán" và "vay mượn" trong quá trình lập báo cáo ĐTM. Vậy mới có chuyện dự án ở miền Bắc có sông Đồng Nai, dự án ở miền Nam có sông Hồng. Cũng theo TS Nguyễn Khắc Kinh, từ thực tế thẩm định các dự án trong thời gian qua cho thấy tỷ lệ "cắt dán" lên tới 20 - 30%. Ngoài ra, thực trạng thẩm định "chay", tức là thẩm định trên giấy chiếm khoảng 70%.

Lập “danh sách đen” những đơn vị làm kém

Đề cập vấn đề "cắt dán" tại nhiều báo cáo ĐTM, ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ TN&MT kiêm Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường thừa nhận có thực trạng này. Ông Tuyến khẳng định, chắc chắn tới đây Bộ TN&MT ra quy định, những đơn vị nào làm theo kiểu đó sẽ bị đưa vào "danh sách đen". Bộ dự kiến đề nghị quy định chỉ những đơn vị ở cấp nào mới được làm báo cáo ĐTM để tránh tình trạng nhiều đơn vị lợi dụng.

Đa số các đại biểu đều cho rằng, để khắc phục những tồn tại, yếu kém và nâng cao hơn nữa hiệu quả của công cụ ĐTM, cần phải rà soát, đánh giá lại kết quả thực hiện ĐMC, ĐTM, CBM trong cả nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Mặt khác, cần đẩy mạnh việc xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật chuyên ngành về lập báo cáo ĐMC, ĐTM, CBM và thực hiện công tác sau thẩm định báo cáo ĐTM. Ngoài ra, cần xây dựng và duy trì vận hành hệ thống thông tin, dữ liệu về công tác thẩm định báo cáo ĐMC, ĐTM và sau thẩm định báo cáo ĐTM để có thể theo dõi, quản lý một cách hệ thống...

Để lĩnh vực ĐTM tốt hơn, TS Nguyễn Khắc Kinh, Phó Chủ tịch Hội ĐMC Việt Nam chia sẻ: "Không có chuyện chúng ta có thể xoay chuyển tình hình trong chốc lát. Chúng ta phải làm đồng bộ, làm từng bước. Điều đầu tiên, cấp lãnh đạo phải thực sự coi trọng đến ĐTM, phải coi trọng thật sự chứ không phải là coi trọng trên giấy. Phải có đầu tư thích đáng về tiền, đào tạo con người và các nguồn lực khác".

Với tình trạng báo cáo ĐTM kém chất lượng, rõ ràng các dự án, nhà máy, khu công nghiệp đã lơ là, coi thường, dẫn đến làm ẩu ĐTM. Đây là cách làm tắc trách của các cơ quan, đơn vị, tác nhân gây gia tăng ô nhiễm môi trường. Nếu không dự báo được, sau đó để xảy ra hậu quả về ô nhiễm môi trường sẽ vô cùng tốn kém, có tiền nhiều khi cũng không khắc phục nổi.

Một số chuyên gia nhắc tới dự thảo báo cáo ĐTM lần đầu của dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A giống ở đâu đó. Tôi nói thật, không chỉ có dự án hai thủy điện này. Cách làm của bên tư vấn hiện nay thường lấy một báo cáo cùng loại có sẵn và dựa trên đó để thay đổi. Việc làm này là thiếu trung thực, không nghiêm túc, không thể để tình trạng này diễn ra được.

TS Nguyễn Khắc Kinh Phó Chủ tịch Hội Đánh giá Tác động Môi trường Việt Nam