Đó là câu chuyện của bóng đá Thanh Hóa. Dù Công ty CP bóng đá Thanh Hóa đã được thành lập với các cổ đông là doanh nghiệp đóng tại địa phương nhưng nguồn tài chính nuôi sống đội bóng lại đến từ “bầu sữa” bao cấp. Hai năm qua, ngân sách từ tỉnh Thanh Hóa cùng sự vận động từ các doanh nghiệp tại địa phương đã nuôi sống đội bóng chứ Công ty CP bóng đá chưa có nguồn thu nào đáng kể. Mà để bằng bạn bằng bè, bóng đá Thanh Hóa cần rất nhiều tiền. Thế nên, mỗi năm, bằng các nguồn khác nhau, hàng chục tỷ đồng đã được dành để nuôi đội bóng.
SLNA sẽ gặp khó khăn lớn nếu Ngân hàng Bắc A rút bớt tài trợ
Cách đây không lâu, Chủ tịch CLB Thanh Hóa Nguyễn Văn Đệ đánh tiếng muốn được thoái lui vì quá mệt mỏi. Thông tin này được phát đi trước thềm buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh để bàn về kinh phí hoạt động cho mùa giải mới. Người ta thừa hiểu rằng, ông Đệ muốn có thêm sự biệt đãi để tiếp tục gắn bó với bóng đá. Hay nói cách khác, ông Đệ muốn được đầu tư nhiều hơn, có được cơ chế để tiêu tiền chứ bản thân doanh nghiệp mà ông làm chủ không đủ sức nuôi bóng đá. Cuối cùng, điều mà ông Đệ mong muốn đã thành sự thật. Bầu sữa ngân sách tiếp tục được bơm ào ạt để Thanh Hóa… trụ hạng một cách bền vững.
Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm
Trong tuần này, đại diện của Ngân hàng Bắc Á sẽ có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An để bàn về hợp đồng tài trợ cho CLB SLNA. Theo lộ trình, từ mùa giải tới, khoản tiền hỗ trợ từ ngân sách tỉnh Nghệ An cho đội bóng sẽ được cắt. Khi ấy, đội bóng sẽ sống bằng hoạt động kinh doanh bóng đá. Nhưng theo đại diện của SLNA cũng như nhà tài trợ Bắc Á, việc ở riêng lúc này là không tưởng. Khoản tiền thu từ bán vé, bảng quảng cáo và tài trợ không đủ để nuôi đội bóng. Thế nên, CLB rất cần sự hỗ trợ từ ngân sách. Thậm chí, Ngân hàng Bắc Á còn bỏ ngỏ khả năng chia tay với bóng đá Nghệ An vì quá mệt mỏi.
Trước buổi làm việc với lãnh đạo Nghệ An, Ngân hàng Bắc Á còn đưa ra ý tưởng, họ chỉ nuôi đội 1 còn toàn bộ hệ thống đào tạo trẻ sẽ được giao trả cho tỉnh. Được biết, để duy trì hệ thống đào tạo trẻ của SLNA, mỗi năm cần có khoản tiền từ 15 - 20 tỷ đồng. Đây là một khoản kinh phí không hề nhỏ đối với một tỉnh như Nghệ An.
Chắc chắn, để tồn tại qua giai đoạn khó khăn hiện tại, các đội bóng doanh nghiệp rất cần sự trợ giúp từ ngân sách. Thậm chí, theo ông Nguyễn Hồng Thanh, Tổng Giám đốc CLB SLNA: "Nếu cần thiết, bóng đá phải bao cấp trở lại. Không thể đòi hỏi một nền bóng đá chuyên nghiệp thực sự khi các đội bóng chưa thể kiếm ra tiền. Không có sự trợ giúp từ địa phương, rất khó để các đội bóng tồn tại trong bối cảnh hiện tại".
Từ Thanh Hóa đến Nghệ An, rồi qua Hải Phòng, Đồng Tháp, người ta thấy dấu ấn rất lớn từ ngân sách đối với sự phát triển của mỗi đội bóng. Và rằng, giờ là lúc để bóng đá Việt Nam quay trở lại thực tại, tìm ra một mô hình phát triển ổn định thay vì đốt cháy giai đoạn, sống với những giá trị vô cùng ảo để rồi phải trả giá đắt.