Báo chí phải tạo sự đồng thuận của người dân trong phòng chống dịch

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm tăng cường hiệu quả trong phối hợp chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng Tiểu ban Truyền thông, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 vừa ký ban hành Kế hoạch thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.

Kế hoạch nêu rõ, giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội, các cơ quan báo chí, truyền thông “Chủ động - chính xác - trách nhiệm”, tuyên truyền để người dân “không hoang mang - tin tưởng - ủng hộ” đối với các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ, với mục tiêu lớn là an dân, để người dân được an toàn.
Về giai đoạn trong trạng thái “bình thường mới”, các cơ quan báo chí, truyền thông “tích cực - truyền cảm hứng”, tuyên truyền để người dân không chủ quan khi dịch bệnh được kiểm soát, luôn đề cao, cảnh giác; tăng cường hướng dẫn người dân về các kỹ năng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tạo thói quen phòng, chống dịch; truyền cảm hứng để người dân sáng tạo, có nhiều ý kiến đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội đất nước. 
 Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tác nghiệp tại điểm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.
Khuyến khích cơ quan báo chí, truyền thông có các thông điệp, nhằm tăng hiệu quả tuyên truyền, vận dụng linh hoạt, phù hợp với từng giai đoạn, tình hình trong thời gian tới (“Ai ở đâu, ở yên đó”, “Ở nhà cho y, bác sĩ về nhà”, “Cảm ơn các bạn luôn ở tuyến đầu vì chúng tôi”, “Mỗi gia đình là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch”, “Vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”...).
Bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đối với công tác truyền thông, các cơ quan báo chí, truyền thông cần tuyên truyền nổi bật các chỉ đạo, giải pháp, hoạt động chống dịch của Chính phủ, bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương; nỗ lực chăm lo đời sống của người dân trong và sau thời gian thực hiện giãn cách, đặc biệt tầng lớp người nghèo, người lao động tự do...
Tăng cường thông tin hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, như: thực hiện giãn cách, đảm bảo phòng, chống dịch trong sinh hoạt hàng ngày, tự theo dõi, cách ly, điều trị tại nhà; các kỹ năng bảo vệ sức khỏe sau dịch bệnh.
Tập trung thông tin về những nỗ lực trong công tác điều trị và các kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào điều trị, các loại thuốc hỗ trợ điều trị đang phát triển và thử nghiệm thành công trong nước; tiến độ tiếp nhận, phân phối, sử dụng và tiêm vaccine đảm bảo an toàn, công khai, minh bạch và miễn phí; tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. 
Tăng cường đấu tranh phản bác các hành vi đưa tin sai lệch, xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch ở Việt Nam.
Các mạng xã hội trong nước, trang tin điện tử tổng hợp tham gia tích cực vào việc lan tỏa các thông tin hữu ích, thiết thực giúp các ngành, các cấp và người dân chống dịch hiệu quả, biết cách làm cụ thể để đảm bảo được các nhu cầu thiết yếu về ăn uống, sinh hoạt, giữ gìn sức khỏe, tự bảo vệ bản thân và gia đình. Tăng cường hỗ trợ sử dụng các nền tảng ứng dụng zalo, viber... thông báo rộng rãi, ngắn gọn các chính sách để giúp người dân yên tâm thực hiện.
Về thông tin cơ sở, trong tình hình giãn cách xã hội, cần ưu tiên các phương tiện, phương thức truyền thông chính sách nhanh và tốt nhất đến người dân, đặc biệt là dân nghèo, người nhập cư khu ven đô (không tivi, không điện thoại thông minh, chính quyền khó quản lý...). Vì vậy, sử dụng hệ thống loa truyền thanh, hệ thống loa di động... để thông báo ngắn gọn các chính sách, đặc biệt là các thông tin, chính sách cụ thể giúp an dân…
Thông tin đối ngoại phải tập trung thông tin, tuyên truyền trên báo chí bằng tiếng nước ngoài (và thông qua cả các cơ quan báo chí, thông tấn nước ngoài) về những biện pháp quyết liệt của Chính phủ Việt Nam, của các địa phương nhằm kiểm soát thành công sự lây lan của dịch bệnh, giảm thiểu các ca tử vong, điều trị thành công cho các bệnh nhân Covid-19; tăng cường thông tin cho người nước ngoài tại Việt Nam để họ hiểu, thực hiện và không gặp nhiều khó khăn trong công việc, giải quyết được các nhu cầu thiết yếu và chăm sóc sức khoẻ.
Về viễn thông, tiếp tục thực hiện việc nhắn tin SMS, gửi thông điệp qua nhạc chờ và qua các hình thức khác đối với người dân khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội để gửi các thông tin, khuyến cáo ngắn gọn, quan trọng cần người dân biết và tuân thủ thực hiện. 
Ngoài ra, tổ chức tốt việc sử dụng công nghệ để hỗ trợ tập hợp, phân tích, đánh giá tình hình công tác phòng chống dịch, “lắng nghe” các ý kiến phản hồi, phản biện về các biện pháp, chiến thuật chống dịch cụ thể cần có điều chỉnh để phù hợp tình hình thực tế. 
Tổng hợp có chọn lọc các ý kiến, kiến nghị của nhân dân, nhà khoa học, doanh nghiệp, bà con Việt kiều ở nước ngoài để cung cấp cho báo chí, truyền thông và tham mưu điều chỉnh chính sách, chiến thuật, giải pháp chống dịch.