Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt, nhất là việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, Đường sắt Việt Nam đã đề nghị các tỉnh/thành phố cần chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp nhận và sử dụng điện thoại liên lạc giữa trực ban chạy tàu ga với nhân viên trực cảnh giới, để nhận kế hoạch ban và kế hoạch chạy tàu 4h.
Đối với các điểm chưa xây dựng chòi chắn và các chòi chắn chưa có cửa khóa, Bộ đề nghị các tỉnh cho xây dựng, bổ sung để đảm bảo an toàn cho thiết bị, đề phòng kẻ xấu phá hoại lấy cắp thiết bị và ngăn chặn người không có trách nhiệm sử dụng điện thoại trái phép, làm sai lệch thông tin gây ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu.
Ảnh minh họa.
Tổ chức ký cam kết đảm bảo an toàn giữa địa phương với Công ty TNHH MTV quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt sở tại, ở các điểm chốt cảnh giới do địa phương quản lý.
Đường sắt Việt Nam sẽ chỉ đạo và tạo mọi điều kiện để các Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt và các Công ty TNHH MTV thông tin tín hiệu đường sắt sở tại, hỗ trợ dụng cụ phòng vệ như: cờ, đèn, pháo phòng vệ cho các điểm cảnh giới.
Đối với các đường ngang cần kết nối với tín hiệu đường bộ với đường sắt, đề nghị các tỉnh chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ liên quan phối hợp với Công ty TNHH MTV thông tin tín hiệu đường sắt sở tại, thống nhất về phương án kết nối làm cơ sở cho việc thiết kế, lắp đặt và quản lý hoạt động giao thông tại các đường ngang này.
Hiện nay, nhiều tuyến đường ngang qua đường sắt ở Hà Nội chưa đảm bảo an toàn dẫn đến nguy cơ về tai nạn giao thông cao. Trên thực tế, nhiều vụ tai nạn giao thông chết người đã xảy ra tại những tuyến đường ngang này. Vì thế, UBND Thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch cải tạo hạ tầng giao thông tại 20 điểm giao cắt giữa đường ngang với đường sắt từ nay đến năm 2015 nhằm thực hiện mục tiêu giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.