Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của báo chí và công dân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIII tới đây, 2 dự thảo Luật Báo chí sửa đổi và Luật Tiếp cận thông tin (TCTT) sẽ được trình Quốc hội thông qua, từ đó khẳng định mạnh mẽ hơn vai trò của báo chí, bảo đảm quyền TCTT của báo chí và công dân.

Báo Kinh tế & Đô thị trích đăng ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu góp ý cho các dự thảo.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: 
Thúc đẩy minh bạch, phòng chống tham nhũng
Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của báo chí và công dân - Ảnh 1Luật TCTT ra đời sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập trong pháp luật và vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật về quyền TCTT; hoàn thiện cơ chế công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan Nhà nước và các đơn vị dịch vụ công; đảm bảo quyền làm chủ, mưu cầu hạnh phúc của Nhân dân; góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế.
Luật TCTT cần mở rộng chủ thể cung cấp thông tin là toàn bộ các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách Nhà nước, tài nguyên quốc gia và các đơn vị cung cấp dịch vụ công. Luật cũng cần quy định trong trường hợp thông tin có ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân như thông tin về tiến độ thực hiện công trình, dự án; thông tin về mức độ khí thải, chất thải hàng năm của DN; thông tin về các tiêu chuẩn kỹ thuật, VSMT cần phải đáp ứng trong quá trình sản xuất… thì các cơ quan, đơn vị, tổ chức sở hữu những thông tin ấy phải chia sẻ với xã hội. Ngoài ra, trên thế giới, ít quốc gia giao việc đảm bảo thực hiện quyền TCTT của công dân cho Chính phủ vì cơ quan hành pháp là đối tượng chủ yếu phải công khai thông tin và cung cấp thông tin theo yêu cầu của người dân. Ban soạn thảo cần nghiên cứu để đề xuất giao nhiệm vụ đảm bảo thực hiện quyền lợi TCTT của công dân cho một cơ quan khác ngoài Chính phủ. Việc thành lập một cơ quan chuyên trách là cần thiết do vị trí đặc biệt của quyền TCTT đối với phát triển quốc gia, thúc đẩy minh bạch, phòng chống tham nhũng và thực thi các quyền con người, quyền công dân. 
TS Nguyễn Thị Kim Thoa – Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp): 
Xử lý cán bộ vi phạm cung cấp thông tin
Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của báo chí và công dân - Ảnh 2Luật TCTT quy định quyền TCTT của công dân. Còn quyền TCTT của nhà báo thì theo Luật Báo chí. Một điều quan trọng trong dự thảo Luật TCTT, là công dân được quyền yêu cầu Nhà nước cung cấp thông tin chứ không phải Nhà nước ban phát thông tin. Đó là quyền mà Hiến pháp 2013 yêu cầu Nhà nước phải tôn trọng và thực thi. Khi có thông tin, người dân và nhà báo có nguồn thông tin để nói lên chính kiến của mình. Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức phải công khai thông tin trên mạng bằng cách thiết lập trang tin điện tử. Các thông tin bí mật cá nhân, bí mật kinh doanh nhưng vì lợi ích cộng đồng phải được cung cấp cho công chúng. Cụ thể, trong vụ việc “làng ung thư” Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, Phú Thọ, các công ty liên quan cho rằng, vấn đề tiết lộ thông tin trong ô nhiễm môi trường có thể làm lộ bí mật kinh doanh, sản xuất là không đúng. Nếu thông tin bí mật mà ảnh hưởng đến lợi ích và sức khỏe cộng đồng phải được công bố, tránh những hậu quả đáng tiếc.
Thời gian tới, cần thúc đẩy cho người dân hiểu rằng, TCTT là quyền của người dân, chứ không phải của Nhà nước. Các cán bộ, công chức vi phạm cung cấp thông tin phải bị xử lý vi phạm hành chính, hình sự tùy mức độ.
Ông Hoàng Mạnh Chiến - Nguyên Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm tham nhũng (Bộ Công an): 
Thông tin nào được phép công khai?
Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của báo chí và công dân - Ảnh 3Đâu là ranh giới giữa thông tin công khai và thông tin mật, giữa việc cung cấp và không cung cấp; thông tin nào cần phải cung cấp và ai cung cấp… là bài toán khó cho các nhà lập pháp soạn thảo Luật TCTT. Làm sao giải quyết hài hòa giữa đảm bảo quyền công dân và bảo vệ được bí mật quốc gia. Nhìn chung, nguyên tắc cần mở rộng tối đa phạm vi cung cấp thông tin, hạn chế chỉ là tối thiểu với lý do đặc biệt và thuyết phục, vì nếu đặt vấn đề không chính xác sẽ mâu thuẫn ngay trong luật.
Thông thường, các thông tin hạn chế tiếp cận được quy định là thông tin bí mật cá nhân; bí mật kinh doanh; bí mật trong quá trình điều tra, truy tố xét xử, thi hành án; thông tin có trong tài liệu lưu trữ thuộc danh mục hạn chế sử dụng... Khi nhận yêu cầu cung cấp đối với các loại thông tin này, cơ quan Nhà nước có quyền từ chối. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, bí mật Nhà nước đương nhiên không được cung cấp, nhưng nếu là bí mật cá nhân, bí mật kinh doanh... thì nên cho phép người có trách nhiệm quyết định, với thủ tục, quy trình chặt chẽ.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Hàm Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo T.Ư):
Cơ quan Nhà nước phải chủ động cung cấp thông tin
Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của báo chí và công dân - Ảnh 4Hiện nay, vẫn còn có sự ngại ngùng, né tránh, thiếu hợp tác thực lòng với truyền thông của một số cơ quan, tổ chức Nhà nước. Cùng với đó là sự lạm dụng quyền năng của báo chí truyền thông để đưa thông tin thiếu khách quan, đánh mất phẩm chất tốt đẹp của người làm báo. Hai yếu kém trên vẫn hiện hữu trong đời sống thông tin hàng ngày. Vì thế, các cơ quan Nhà nước làm tốt việc nắm giữ thế chủ động trong cung cấp thông tin theo các văn bản luật sẽ góp phần không nhỏ để hạn chế và đẩy lui những hạn chế, tiêu cực nêu trên.
Thời gian qua, đã có những quy định, chế tài trong việc không cung cấp thông tin cho báo chí nhưng chưa ai bị xử lý. Những người làm báo luôn cần thông tin, nhất là thông tin chính thống từ cơ quan Nhà nước. Nếu các cơ quan Nhà nước "chậm chân", không chủ động cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí, có thể dẫn đến khủng hoảng thông tin, hệ lụy khó lường. Thông tin trên mạng xã hội trong một số trường hợp đã lấn át những thông tin của các cơ quan báo chí chính thống. Điều này cho thấy việc chủ động cung cấp thông tin cho báo chí phải trở thành nguyên tắc bắt buộc đối với mọi cơ quan Nhà nước. Đến một lúc nào đó, không chỉ nhờ vào luật mà thực tiễn đời sống sẽ điều chỉnh những vấn đề của xã hội. Luật Báo chí cũng như Luật TCTT sẽ là cơ sở pháp lý, xã hội, chính trị để giải quyết câu chuyện giữa truyền thông, báo chí với cơ quan Nhà nước.
GS.TS Nguyễn Đăng Dung - Giảng viên Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội: 
Đưa việc quản lý mạng xã hội vào Luật Báo chí
Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của báo chí và công dân - Ảnh 5Quyền TCTT và quyền tự do báo chí là biểu hiện của tự do ngôn luận, được quy định trong Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế và được Việt Nam quy định trong Hiến pháp. Theo quan điểm của nhiều nước, TCTT và tự do báo chí là một. Luật TCTT được hơn 100 nước thông qua, còn tự do báo chí thì rất ít. Nhiều nước phát triển như Anh, Mỹ cũng chỉ có Luật TCTT. Ngược lại, ở Việt Nam chỉ có Luật Báo chí mà chưa có Luật TCTT.
Trong một xã hội hiện đại, việc sẵn có thông tin là yếu tố căn bản để người dân, người tiêu dùng đưa ra các quyết định tốt hơn. Trong bầu cử, cử tri cần thông tin về các ứng viên để có được sự lựa chọn sáng suốt hơn. Báo chí gắn liền với tự do thông tin. Không có nền báo chí nào thành công mà lại được dựa trên một khả năng tiếp cận thông tin hạn chế. Nếu không tiếp cận được thông tin, các nhà báo chủ yếu chỉ tham gia vào việc bày tỏ quan điểm của mình.
Bên cạnh đó, chúng ta nên đưa việc quản lý các trang tin điện tử và mạng xã hội vào Luật Báo chí, bởi vì có tính năng chi phối rất nhiều trong việc TCTT của người dân. Mạng thông tin cũng là tự do báo chí, Facebook cũng là tự do báo chí. Luật phải quy định cho tất cả mọi người, không chỉ riêng cho nhà báo. Nếu không quản lý thì chúng ta đã loại đi một chủ thể, hành vi rất lớn trong xã hội mà không bị điều chỉnh bởi một luật nào.