Theo dự thảo, quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại quy định các chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử của Thừa phát lại trong hành nghề Thừa phát lại, là cơ sở để Thừa phát lại tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức trong hành nghề và trong đời sống xã hội nhằm nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp của Thừa phát lại, nâng cao uy tín của Thừa phát lại, góp phần tôn vinh nghề Thừa phát lại trong xã hội.
Dự thảo Thông tư đã quy định về các quy tắc chung của Thừa phát lại. Trước hết là bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Thừa phát lại phải giữ độc lập hoàn toàn, trong mọi tình huống, đối với người yêu cầu, các bên liên quan, nhằm đảm bảo tính công minh, khách quan, trung thực là những cơ sở để tạo dựng lòng tin với cá nhân, tổ chức. Thực hiện công việc được giao một cách chặt chẽ, tuân thủ nghiêm ngặt pháp luật và các quy định của Quy tắc này. Mặt khác, Thừa phát lại có trách nhiệm coi trọng, giữ gìn uy tín nghề nghiệp, không được có hành vi làm tổn hại đến danh dự, uy tín cá nhân và tổ chức nơi hành nghề thừa phát lại, thanh danh nghề nghiệp…
Cùng với các quy tắc chung, dự thảo còn nêu rõ 14 việc Thừa phát lại không được làm trong quan hệ với người yêu cầu. Cụ thể đó là không được sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người yêu cầu. Nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích vật chất nào khác từ người yêu cầu ngoài chi phí đã được ghi nhận trong hợp đồng. Nhận tiền hoặc bất kỳ lợi ích vật chất nào khác từ người thứ ba để thực hiện hoặc không thực hiện yêu cầu dẫn tới hậu quả gây thiệt hại đến lợi ích chính đáng của người yêu cầu và các bên liên quan. Tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của mình mà không được sự đồng ý bằng văn bản của người yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật cho phép. Sử dụng thông tin về hoạt động của Thừa phát lại để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Thực hiện yêu cầu trong trường hợp mục đích và nội dung của yêu cầu vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội. Gây áp lực, ép buộc người yêu cầu phải sử dụng dịch vụ của mình hoặc văn phòng mình. Lập vi bằng có liên quan về mặt lợi ích giữa Thừa phát lại và người yêu cầu…
Trong quan hệ với Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSN) D0, Tòa án Nhân dân (TAND), dự thảo quy định, Thừa phát lại phải tuân thủ nghiêm sự kiểm sát của Kiểm sát viên, VKSND trong hoạt động hành nghề; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ báo cáo phục vụ hoạt động kiểm sát của Kiểm sát viên, VKSND theo quy định. Nỗ lực, trách nhiệm, kịp thời trong việc tổ chức thi hành đúng nội dung các bản án, quyết định của TAND được yêu cầu; phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với TAND trong việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án. Có trách nhiệm cùng với TAND, VKSND bảo đảm các bản án, quyết định của tòa án chính xác, đúng pháp luật để tổ chức thi hành, bảo đảm tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật…