Nhiều diện tích đất canh tác, thậm chí là công trình dân sinh nằm ven dòng sông này đã bị dòng nước cuốn trôi. 20 năm mất gần… 5ha Men theo đường đê, chúng tôi tìm về thôn Đông Ngàn. Đang là giữa vụ Xuân, những diện tích canh tác bãi bồi phủ một màu xanh mát. Chị Nguyễn Thị Thể (xóm Mít) đang làm dừng tay chỉ về phía sông bảo, trước đây đất canh tác của gia đình chị và các hộ ra đến gần giữa sông. Sau nhiều năm, nước sông lên cao, nhiều diện tích đất canh tác đã bị sạt lở. Mấy năm qua, riêng gia đình chị đã mất gần 1 sào. Không riêng nhà chị Thể, hàng trăm năm qua, người dân ven sông Đuống vẫn trông nhiều vào sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, nguồn sinh kế quan trọng này đang đứng trước nguy cơ ngày một suy giảm do tình trạng sạt lở.
Theo ông Phạm Ngọc Hội – Trưởng thôn Đông Ngàn, tình trạng sạt lở những năm qua tiếp tục diễn biến phức tạp và chưa có chiều hướng ngưng lại. Mỗi năm, lòng sông lại “ăn” sâu vào khu vực đất bãi bồi trên dưới 10m. Thống kê mới đây của UBND xã Đông Hội cho thấy, từ năm 1995 đến nay, ít nhất 48.000m2 đất bãi của xã bị nước cuốn trôi. Riêng 3 năm gần đây, diện tích đất canh tác bị sông “ăn mất” khoảng 1ha. Ghi nhận thực tế cho thấy, sạt lở tạo nên những vách đất cao từ 4 – 5m, giống một bờ vực nhỏ. Theo bà con nơi đây, ngoài việc mất đất nông nghiệp, sạt lở còn khiến việc lấy nước từ sông Đuống lên tưới cho các diện tích gieo trồng gần như không thể thực hiện. Bà Nguyễn Thị Xuyến (xóm Cống) cho hay, không thể trông vào nguồn nước sông, người dân phải dẫn nước từ ao làng, thậm chí là gánh nước từ nhà ra đồng để tưới cho rau màu. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, tình trạng sạt lở cũng ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, đã có ít nhất 2 hộ dân buộc phải di dời các công trình dân sinh vào sâu bên trong do lo ngại bị nước lũ cuốn trôi. Hiện, vị trí sạt lở bờ sông chỉ còn cách khu dân cư thôn Đông Ngàn trung bình khoảng 90m. Mong mỏi cấp thiết Theo đánh giá của Phòng Kinh tế huyện Đông Anh, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng sạt lở tại khu vực này trong những năm qua do sự chuyển dòng của sông Đuống từ cống Long Tửu về cầu Đuống qua địa phận thôn Đông Ngàn. Cùng với đó, việc bờ hữu sông Đuống (thuộc địa phận quận Long Biên) đã có kè kiên cố cũng khiến dòng chảy từ thượng lưu sông Đuống chuyển hướng sang khu vực đất bãi thôn Đông Ngàn. Điều này khiến diện tích canh tác nông nghiệp của bà con liên tục bị sạt lở.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Đặng Xuân Thiện – Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hội cho biết, trước tình trạng sạt lở ven sông Đuống, đã có một số đoàn công tác của Sở NN&PTNT Hà Nội về khảo sát, đánh giá hiện trạng. UBND huyện Đông Anh cũng đã có văn bản đề xuất TP quan tâm, sớm tiến hành đánh giá mức độ sạt lở và có phương án đảm bảo an toàn cho khu vực đất bãi ven sông này. Tuy nhiên, những hỗ trợ đầu tư cụ thể thì vẫn… chưa thấy đâu. Ông Đặng Xuân Thiện cho biết thêm, hiện bờ hữu sông Đuống qua địa phận quận Long Biên, bờ tả qua xã Xuân Canh và Mai Lâm (huyện Đông Anh) đều đã được kè kiên cố, đảm bảo an toàn. Chỉ còn lại khu vực đất bãi bồi thuộc xã Đông Hội là chưa được gia cố. Lãnh đạo xã chỉ có giải pháp là tuyên truyền để người dân nắm bắt tình trạng sạt lở; khuyến cáo bà con, nhất là trẻ nhỏ không di chuyển một mình ra khu vực ven sông vào mùa mưa lũ, nước sông lên cao, để đảm bảo an toàn tính mạng. Mong mỏi cấp thiết của người dân thôn Đông Ngàn là các sở, ngành của TP quan tâm, sớm có giải pháp đảm bảo an toàn khu vực ven sông Đuống nhằm ổn định cuộc sống và sản xuất cho người dân.
Tình trạng sạt lở ven sông Đuống qua địa phận xã Đông Hội diễn biến phức tạp. Ảnh: Trọng Tùng |
Một đoạn sạt lở ven sông Đuống qua địa phận xã Đông Hội |
Khi đứng cùng phóng viên, ông Phạm Ngọc Hội - Trưởng thôn Đông Ngàn chỉ tay về phía rặng chuối phía sâu trong bờ, cách mép sông hơn chục mét, nói: “Năm nay tôi với anh đứng ở đây, nhưng giờ này năm sau mà anh về thăm lại, có lẽ chúng ta sẽ đứng ở đằng kia…” |