Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhận định tại Lễ công bố Báo cáo thường niên DN Việt Nam 2012, diễn ra ngày 18/4 tại Hà Nội.
Nhiều quan ngại về năng lực doanh nghiệp
Sau các Báo cáo thường niên bắt đầu từ năm 2006, VCCI tiếp tục xây dựng "Báo cáo thường niên DN Việt Nam 2012" với chủ đề "Chặng đường 10 năm phát triển và năng lực tiếp cận thị trường". Đây là lần thứ bảy, VCCI công bố Báo cáo DN Việt Nam, song lại là lần thứ hai liên tiếp, "sức khỏe" DN được báo động ở mức cao.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khoa học công nghệ để đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay.Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất chai nhựa tại Công ty TNHH Song Long.Ảnh: Việt Dũng
Theo ông Vũ Tiến Lộc, năm 2012 thực sự là một năm khó khăn với DN Việt Nam, thể hiện ở số DN đăng ký mới giảm cả về lượng và tổng số vốn, trong khi số DN bị giải thể hoặc ngừng hoạt động lại tăng. Một số lĩnh vực có số DN đăng ký giảm mạnh là bất động sản, khai khoáng, nông, lâm nghiệp và thủy sản, xây dựng... Con số DN giải thể hoặc ngừng hoạt động lên tới 54.261 DN, tăng 6,29% so với năm 2011. Các ngành có tỷ lệ DN giải thể hoặc ngừng hoạt động tăng mạnh là tài chính ngân hàng, kinh doanh bất động sản.
Về những nguyên nhân dẫn đến ngừng hoạt động, có tới 28,6% DN trả lời, do họ không tìm được thị trường đầu ra. Sau đó mới là các nguyên nhân không vay được vốn, giá nguyên vật liệu đầu vào cao, hàng tồn kho cao… và các lý do khác. Bên cạnh đó, chỉ số thanh khoản, năng lực sử dụng vốn của DN trong 6 ngành nghiên cứu đều có xu hướng giảm, trong khi tỷ lệ DN lỗ tăng lên. Liên quan đến các chỉ số khác để đánh giá năng lực DN, Báo cáo năm 2012 cũng cho thấy, chỉ số khả năng trả lãi vay của DN suy giảm dần trong giai đoạn 2009 - 2011 (lần lượt là 5,0; 3,7 và 3,5 lần). Trong đó, sụt giảm mạnh nhất là ngành sản xuất đồ uống, quảng cáo và giới thiệu xúc tiến thương mại.
Bình đẳng hơn với doanh nghiệp nhỏ và vừa
Từ việc phân tích bức tranh DN Việt Nam qua 10 năm phát triển, nhất là trong giai đoạn khó khăn năm 2012, các chuyên gia VCCI đã đề xuất 11 nhóm khuyến nghị đối với cơ quan Nhà nước và 8 nhóm giải pháp gợi ý cho DN. Trong đó giải pháp trước mắt là các cơ quan quản lý cần có ngay cách tiếp cận phù hợp hơn khi thiết kế những chính sách hỗ trợ DN, đặc biệt đối với khối DN nhỏ và vừa (DNNVV); tăng cường các chính sách trợ giúp "khởi sự DN" để tạo lợi nhuận cho DN... Với cộng đồng DN, điều quan trọng nhất là thực hiện mạnh mẽ quá trình tái cấu trúc DN, trong đó tập trung nhiều hơn cho nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh...
Theo các chuyên gia nhóm nghiên cứu Báo cáo thường niên DN 2012, kinh tế Việt Nam năm 2013 sẽ không chỉ chịu tác động từ chính khó khăn nội tại mà còn bởi sự biến động của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, phản ánh của nhiều đại diện DN tại Lễ công bố cho thấy, mong mỏi nhất của họ hiện nay chính là một môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, nhất là công bằng và khuyến khích phát triển hơn cho các DNNVV - lực lượng "chủ công" đang chiếm 95% tổng số DN cả nước.
Bà Từ Thị Bích Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Anh hoạt động trong ngành may mặc cho biết, đến nay rất nhiều DNNVV ngành may đã ngừng hoạt động. "Tại sao Nhà nước cứ dồn lực để cứu bất động sản hay lĩnh vực nào đó mà không để ý đến ngành may mặc đang giải quyết rất nhiều lao động cho xã hội. Nhiều DN không tồn tại được nữa do không có giá trị gia tăng bởi không được hỗ trợ về nguồn nguyên phụ liệu để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Thực ra, việc cải cách chính sách thuế không quan trọng bằng các chính sách về bảo hiểm cho DNNVV, lương tối thiểu… Đây đang là những gánh nặng mà chúng tôi phải giải quyết sớm".
Đồng quan điểm này, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Vũ Quốc Tuấn cho rằng, những người làm chính sách cần có tư duy đúng đắn để xây dựng được một thể chế mạnh mẽ, đổi mới và có tính khả thi, đối xử bình đẳng hơn cho các DNNVV, trong đó, thủ tục hành chính vẫn đang đè nặng họ.
Từ năm 2015, Việt Nam sẽ bước vào những "cuộc chơi" mới: Hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015, thực hiện đầy đủ Hiệp định ACFTA từ 2015 - 2018, thực hiện EPA với Nhật Bản, đàm phán TPP với Mỹ và 10 nước châu Á - Thái Bình Dương, thực hiện các cam kết với WTO, APEC, ASEM… Trong khi các nước trong khu vực và thế giới liên tục thay đổi nhanh, mạnh và sâu, thời gian còn lại liệu có đủ cho Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, sẵn sàng cho cơ hội và thách thức mới ở tầm quốc gia và DN? Chúng ta không còn con đường nào khác là phải rất nghiêm túc, khẩn trương đẩy mạnh cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế và chính DN.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
|