KTĐT - Những ngày đầu năm, giao thông đường sắt để xảy ra hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng gây chết người. Cụ thể ngày 6/2, tại gác chắn xe lửa Cầu Ghềnh (KM 1.700 + 007) thuộc địa bàn TP Biên Hòa, Đồng Nai xảy ra 1 vụ TNGT đường sắt đặc biệt nghiêm trọng làm chết tại chỗ 2 người và khoảng 26 người trọng thương.
Ngày 8/2, tại đoạn đường sắt Km 797+915 (thuộc tổ 11, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), đã xảy ra vụ tai nạn giao thông đường sắt làm một người đàn ông tử vong tại chỗ khi băng qua đường sắt. Cũng trong ngày này, tại Nghệ An, trên tuyến đường sắt khu gian Quán Hành - Mỹ Lý, tàu TN 12 chạy từ TP Vinh ra Hà Nội đã va chạm với một xe máy gây chết người. Có thể nói, tai nạn giao thông đường sắt đang ở mức báo động!
Đi tìm nguyên nhân
Theo Cục Đường sắt Việt
Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt của người dân sinh sống tại các khu vực này vẫn cao, công tác quản lý đường ngang chưa được quan tâm đúng mức, thiếu sự phối hợp đồng bộ trong việc quản lý công tác xây dựng hành lang an toàn đường ngang của chính quyền địa phương với ngành đường sắt.
Ngoài các nguyên nhân trên thì ở vụ TNGT ở cầu Ghềnh đã bộc lộ nguyên nhân nữa là bất cấp giữa việc sử dụng chung cầu đường bộ và đường sắt. Ông Nguyễn Văn Công, người phát ngôn của Bộ GTVT cho biết: Không chỉ tại cầu Ghềnh (Đồng Nai) mà ở rất nhiều nơi trong cả nước, việc tổ chức giao thông chung giữa cầu đường sắt và đường ô tô vẫn tồn tại, dễ gây ra nguy hiểm.
Còn theo ông Nguyễn Văn Doanh - Phó cục trưởng Cục Đường sắt VN (Bộ GTVT), cả nước hiện còn 24 chiếc cầu chung giữa đường bộ và đường sắt, trong đó, trên tuyến Bắc - Nam có 11 chiếc (cầu Đồng Nai lớn, cầu Đồng Nai nhỏ, cầu Bình Lợi, cầu Tháp Chàm, cầu Hàm Rồng...). Nhiều chiếc cầu được xây dựng từ thời Pháp thuộc và đến nay đã sử dụng trên 100 năm (đường sắt Hà Nội - Hải Phòng có cầu Phú Lương - Hải Dương và cầu Tam Bạc - Hải Phòng, tuyến Hà Nội - Lào Cai có cầu Phố Lu...) nhưng vẫn được sử dụng chung giữa đường bộ và đường sắt nên dễ gây ra tai nạn giao thông.
Giải pháp nào cho năm 2011?
Muốn kiềm chế và giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt, đại diện TCty Đường sắt Việt Nam cho rằng, việc đầu tư xây dựng đường gom và hàng rào đường gom tại các khu đô thị, khu công nghiệp, dân cư là biện pháp mang lại hiệu quả thiết thực nhất. Trong năm 2011 các bộ, ngành cần nghiên cứu tổ chức giao thông hợp lý, chấn chỉnh hoạt động vận tải, tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông.
Trong kế hoạch của năm 2011, TCty phấn đấu không để xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng do chủ quan, giảm 10% tai nạn nghiêm trọng, ít nghiêm trọng và sự cố chạy tàu do chủ quan gây ra so với năm 2010, đồng thời thực hiện có hiệu quả các công trình, dự án đảm bảo an toàn giao thông đường sắt. Ngành ưu tiên xây dựng đường gom, hàng rào hộ lan, hàng rào bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường sắt; xây dựng các nút giao thông lập thể tại các vị trí đường sắt quốc gia giao cắt với quốc lộ, tỉnh lộ; từng bước đóng các lối đi dân sinh bất hợp pháp để giảm dần số lượng giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ.
Ngoài ra, TCty cũng sẽ tổ chức cảnh giới tại các lối đi dân sinh và các điểm đen về an toàn giao thông đường sắt vào các dịp vận tải cao điểm. Vận động các tổ chức, cá nhân tự tháo dỡ các công trình lấn chiếm, xây dựng trái phép trong phạm vi chỉ giới hành lang an toàn giao thông đường sắt, giải phóng tầm nhìn tại các đường ngang…