Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Báo động tình trạng điếm canh đê xuống cấp

Bài, ảnh: Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai, nhưng rất nhiều điếm canh đê ở Hà Nội đang xuống cấp nghiêm trọng do chậm được đầu tư nâng cấp.

Nằm ven sông Đáy, huyện Ứng Hòa có số lượng điếm canh đê lớn nhất với 31 công trình. Theo khảo sát, rất nhiều điếm canh đê hiện đang hư hỏng nặng. Điển hình như điếm canh số 16, tương ứng K60+190 đê tả Đáy, thuộc xã Đồng Tiến. Công trình được xây dựng từ năm 1978, đến tháng 10/2011 bắt đầu xuất hiện bong tróc tường, mái trần và lún, nghiêng. Hiện, công trình bị nghiêng về phía hạ lưu, nền lún sâu khoảng 30cm, đồng thời mất toàn bộ cửa chính, cửa sổ…Từ đó đến nay, điếm không được sử dụng phục vụ công tác phòng chống thiên tai. UBND huyện Ứng Hòa đã chỉ đạo xã Đồng Tiến tổ chức cắm biển cảnh báo nguy hiểm nhằm bảo đảm an toàn. Theo Trưởng phòng Kinh tế Nguyễn Văn Định, không chỉ điếm canh số 16, mà hầu hết các điếm canh đê trên địa bàn huyện đều được xây dựng từ những năm 1978 - 1980. Đến nay, phần lớn đều đã xuống cấp với một số hư hỏng phổ biến như: Nền điếm thấp hơn mặt đê, ẩm thấp, vữa trát trần và tường bị bong tróc, mất cửa sổ và song chắn…

Điếm canh đê số 16 nằm ven sông Đáy thuộc địa phận xã Đồng Tiến, huyện Ứng Hòa bị lún, nghiêng. Ảnh: Trọng Tùng

Khảo sát bổ sung hiện trạng điếm canh nằm dọc tuyến đê sông Hồng chạy qua địa bàn các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Ba Vì, Đan Phượng...; đê sông Tích qua Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai… cũng cho thấy nhiều công trình đang xuống cấp nghiêm trọng. Điều đáng nói, như chia sẻ của lãnh đạo phòng kinh tế một số địa phương, công tác đầu tư, cải tạo nâng cấp các điếm canh rất hạn chế. 
Theo thống kê của Chi cục Đê điều & Phòng chống lụt bão (Sở NN&PTNT Hà Nội), trên địa bàn TP hiện có tổng số 366 điếm canh đê, nằm trên 17 tuyến đê thuộc hệ thống các sông Đà, Hồng, Đuống, Đáy, Cà Lồ, Cầu, Tích, Bùi, đê Ngọc Tảo, Vân Cốc, Tiên Tân, La Thạch, Mỹ Hà. Trong số đó, chỉ khoảng 60 điếm canh đê được đánh giá là “còn tốt”, số còn lại chỉ bảo đảm kết cấu hạ tầng ở mức “bình thường”, “còn đang sử dụng được”, hoặc “cần sớm được cải tạo”…
 Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều & Phòng chống lụt bão Nguyễn Xuân Hải cho biết, nguồn kinh phí phục vụ công tác cải tạo, nâng cấp các điếm canh đê hàng năm phụ thuộc vào nguồn vốn phân bổ trên cơ sở đánh giá tính cấp thiết của UBND TP. Từ năm 2010 đến nay, dù nguồn lực có hạn, song TP vẫn cố gắng bố trí nguồn kinh phí để thực hiện đầu tư nâng cấp, xây dựng mới 70 điếm canh đê. Dù vậy, con số này so với tổng số công trình hiện đang xuống cấp, cần được đầu tư thì còn rất khiêm tốn.
Trong bối cảnh ngân sách TP có hạn, để bảo đảm an toàn công tác phòng chống thiên tai, các quận, huyện, thị xã có công trình điếm canh đê đang xuống cấp cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động cân đối trong nguồn ngân sách địa phương để cải tạo, nâng cấp. Đây là sự chia sẻ trách nhiệm cần thiết của các địa phương để thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai trên địa bàn Hà Nội.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều & Phòng chống lụt bão
 Nguyễn Xuân Hải