Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Báo động việc nuôi và quản lý động vật hoang dã

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 16/10, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Đặng Đình Phúc, cho biết, đơn vị này đã thu giữ con cá sấu bị sổng chuồng do anh Phạm Quốc Cường (quận Đống Đa) bắt được ngày 11/10 tại một mương nước ở phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai. Mặc dù vậy, qua sự việc này, dư luận không khỏi lo ngại về hoạt động quản lý động vật hoang dã

Đã thu giữ cá sấu sổng chuồng

Ngày 11/10, khi đi câu ở phố Đại Đồng, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, anh Phạm Quốc Cường (37 tuổi, trú tại phố Chợ Khâm Thiên, Đống Đa) đã phát hiện một con cá sấu trong mương tưới tiêu. Sau khi hô hào mọi người đến giúp, anh Cường đã bắt được con cá sấu dài 1,2m, nặng 12kg.

Đến ngày 13/10, ông Dương Văn Viễn, chủ hồ câu Viễn Thổ ở phường Lĩnh Nam đã xác nhận con cá sấu trên đã sổng từ chuồng nuôi của gia đình ông ra ngoài. Ông Viễn cho biết, hơn một năm nay, ông mua 30 con cá sấu (chiều dài mỗi con khoảng 80cm) với giá hơn 100 triệu đồng của một trang trại ở tỉnh Hưng Yên về nuôi nhốt. Chúng thuộc ba giống cá sấu Thái Lan, Indonexia và Cuba. Với mục đích làm cảnh, phục vụ khách tham quan.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Đặng Đình Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin trên, Chi cục đã cử cán bộ về làm việc với anh Phạm Quốc Cường để làm hồ sơ đưa con vật này về quản lý. Đến sáng ngày 14/10, con cá sấu này đã được bàn giao cho Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Vườn thú Hà Nội (Công viên Thủ Lệ) về nuôi nhốt tại đây.

Nỗi lo khâu quản lý

Theo qui định, việc nuôi nhốt động vật hoang dã như cá sấu phải được đăng ký với Chi cục Kiểm lâm hoặc các đơn vị kiểm lâm sở tại. Chuồng trại nuôi cá sấu phải đảm bảo an toàn về độ cao, độ chắc chắn và mực nước. Tuy nhiên, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho biết, đơn vị này chưa cấp phép nuôi nhốt cá sấu cho hộ dân nào trên địa bàn quận Hoàng Mai. Do đó, việc nuôi nhốt cá sấu của ông Viễn là vi phạm pháp luật. "Chúng tôi đã đến làm việc với hộ ông Viễn. Mặc dù, ông Viễn đã trình ra được hồ sơ nhưng vẫn còn thiếu một số thủ tục. Chúng tôi đã yêu cầu làm rõ và tiếp tục kiểm tra để có kết luận cuối cùng" - ông Đặng Đình Phúc nói.

Ông Phúc cho biết thêm, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các qui định về nuôi nhốt động vật hoang dã, động vật nguy hiểm. Tuy nhiên, tình trạng người dân lén lút nuôi nhốt bất hợp pháp như trường hợp vừa qua vẫn còn phức tạp, trong khi việc kiểm tra, xử lý còn nhiều khó khăn. Hiện, toàn thành phố mới chỉ có 21 cơ sở đăng ký nuôi nhốt cá sấu.

Ngày 28/7/2011, UBND TP đã ra Quyết định 3514/QĐ-UBND xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Ngô Minh Phú, trú tại tổ 3, khu Chiến Thắng, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ số tiền 50 triệu đồng vì hành vi nuôi nhốt trái phép 2 con mèo rừng là động vật hoang dã quí hiếm thuộc nhóm 1B.

 

Theo thông tin từ Chi cục Kiểm lâm thành phố, trong số 30 con cá sấu nuôi nhốt trong gia đình ông Viễn có 9 con đã chết, 1 con sổng chuồng (đã thu giữ được), còn lại 20 con. Tuy nhiên, thông tin từ dư luận và từ chính ông Viễn, vẫn còn một số cá thể cá sấu lọt ra ngoài môi trường. Nhiều người dân khu vực gần hồ câu Viễn Thổ lo lắng, nếu thực sự còn cá sấu lọt ra bên ngoài thì tính mạng của họ và con cái có thể sẽ bị đe dọa. Rõ ràng, sự việc trên cho thấy, việc quản lý nuôi nhốt động vật hoang dã, nguy hiểm trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều bất cập. Vì vậy, các cấp, cơ quan quản lý cần sớm đưa ra các biện pháp thắt chặt việc nuôi nhốt động vật hoang dã nói chung, cá sấu nói riêng.