Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bao giờ hết cảnh hội làng?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Như thường lệ, SEA Games ngoài vai trò là ngày hội của thể thao khu vực Đông Nam Á còn là cơ hội để các nước chủ nhà thể hiện "toan tính" cá nhân. Và, điều đầu tiên mà họ nghĩ đến là làm sao có thật nhiều huy chương.

Thế mới có chuyện, sau rất nhiều lần hô hào quyết tâm nâng tầm Đại hội, nhưng rút cuộc, SEA Games vẫn là "hội làng", nơi mà các nước chủ nhà có thể đưa vào những nội dung mà mình có lợi chứ không phải hướng đến mục tiêu chinh phục đỉnh cao.

Trong khi nhiều môn thể thao, trong đó có những nội dung thuộc về Olympic hay những môn thi bắt buộc ở các kỳ Olympic, Asiad bị cắt giảm thì mới đây, nước chủ nhà SEA Games là Myanmar khiến cả khu vực bị "sốc" bởi sự hào phóng bất thường của mình. Số là họ công bố rằng, môn cầu mây tại SEA Games 27 có đến 18 bộ huy chương. Đây là điều xưa nay hiếm, bởi trước nay, cầu mây không bao giờ được ưu ái đến thế. SEA Games 26 tổ chức tại Palembang, Indonesia môn thể thao này chỉ có 6 bộ huy chương.

Bao giờ hết cảnh hội làng? - Ảnh 1

Môn cầu mây tại SEA Games 27 tổ chức tại Myanmar sẽ có tới 18 bộ huy chương

Bên cạnh việc đưa thật nhiều nội dung thi đấu, nước chủ nhà SEA Games 27 còn chọn những nội dung mà mình có thế mạnh. Chưa hết, họ còn giới hạn số lượng nội dung mà các nước được phép tham dự. Theo đó, mỗi quốc gia chỉ có thể được tham gia 3/5 nội dung của cầu mây. Vậy nên, theo tính toán của giới chuyên môn, ngay cả những cường quốc như Việt Nam, Thái Lan nhiều nhất cũng chỉ giành được 12/18 tấm HCV.

Ngay lập tức, các nước trong khu vực đã có những phản ứng gay gắt trước quyết định của nước chủ nhà. Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Malaysia Datuk Sieh Kok Chi nhấn mạnh: "Đây là cách vượt qua giới hạn để đem thêm quyền lợi cho nước chủ nhà".  Tuy nhiên, điều ông Datuk Sieh Kok cũng như các quan chức thể thao Đông Nam Á, thậm chí cả Ủy ban Olympic châu Á có thể làm được là than vãn, chứ không thể thay đổi quyết định.

Kể từ SEA Games 24, các nền thể thao trong khu vực đã hô quyết tâm nâng tầm SEA Games. Theo đó, các môn thể thao được đưa vào chương trình thi đấu phải hướng tới tầm nhìn Olympic và ASIAD. Vậy mà sắp qua 3 kỳ SEA Games, mong ước đưa SEA Games thoát khỏi tiếng ao làng vẫn chỉ nằm trên giấy. Nó không được các nhà tổ chức đoái hoài bởi những lý lẽ rất riêng.

Thế mới có chuyện, đoàn thể thao Việt Nam chưa ra trận đã biết mình mất vài chục HCV, khi những môn thể thao mũi nhọn không được đưa vào chương trình thi đấu. Và khi dư luận mong mỏi ở các nhà quản lý có một cuộc đấu ra trò với nước chủ nhà thì sau đó tất cả đều phải thất vọng. Bởi, quyền quyết định cuối cùng thuộc về Ban tổ chức SEA Games, Việt Nam, hay bất cứ nước nào chỉ có thể nêu ý kiến chứ không được phủ quyết.

Nhưng, cũng phải nhấn mạnh rằng, bản thân mỗi nền thể thao đều có toan tính cho riêng mình. Họ sẵn sàng thỏa hiệp để đưa môn thể thao mà mình có lợi thế vào chương trình thi đấu nên sẵn sàng bỏ qua những toan tính của nước chủ nhà. Thế nên, SEA Games là nơi mà bên cạnh cuộc đua giành vinh quang thì vẫn còn cảnh "vồ" huy chương, bởi ai nhanh tay, ai giỏi tính thì người đó sẽ thắng chứ không hề có sự cạnh tranh, tỷ thí.