Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bao giờ hết cảnh phố chờ tên?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội cần một cuộc rà soát tổng thể những tên phố, tên đường đã và chưa được đặt; để tránh tình trạng phố ra đời nhưng mãi chờ tên, “danh nhân hóa” phố phường, nhiều sản vật, làng nghề đặc sắc chưa được lựa chọn…

Hầu hết các đại biểu có mặt tại hội nghị Nâng cao chất lượng đặt, đổi tên đường, phố và các công trình công cộng trên địa bàn Thủ đô, diễn ra sáng 5/11 đều mong một cuộc “cách mạng” trong việc đặt tên đường phố Hà Nội.

Lỗi của người quản lý

Câu chuyện như đường Ướp lạnh được người dân tự ý dựng biển sau thời gian dài chờ được đặt tên không phải chỉ xảy ra ở quận Cầu Giấy. Theo bà Nguyễn Thị Thanh – Trưởng phòng VHTT quận Cầu Giấy: “Cầu Giấy còn rất nhiều khu đô thị mới có những con đường, tuyến phố đủ điều kiện đặt tên, nhưng chưa thể đặt tên vì chưa tìm được tên hợp lý. Vì vậy, thường xảy ra tình trạng người dân tự ý lắp biển đặt tên như đường Ướp lạnh”.
Biển chỉ tên phố khó hiểu tại Khu đô thị mới Việt Hưng, quận long Biên. 	Ảnh: Phạm Hùng
Biển chỉ tên phố khó hiểu tại Khu đô thị mới Việt Hưng, quận long Biên. Ảnh: Phạm Hùng
Tiếp đó là huyện Đông Anh, tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long cũng có nhiều tuyến phố không có tên. Và để thuận tiện cho việc đăng tải thông tin cho thuê trọ, người dân nơi đây cũng tự ý đặt tên cho con phố. Bà Nguyễn Thị Hạnh – Phó Trưởng phòng VHTT huyện Đông Anh than thở về con đường dẫn vào làng rối nước Đào Thục chờ lâu chưa được gọi tên: “Chúng tôi muốn làm du lịch cho làng rồi, nhưng không biết làm cách nào chỉ dẫn đường vào. Phòng làm đề xuất lên Sở VH&TT Hà Nội thì được biết con đường vướng vào quy hoạch”. Ngoài ra, ở các phường Vạn Phúc (Hà Đông), Cầu Diễn (Nam Từ Liêm), Việt Hưng (Long Biên)… cũng xảy ra những trường hợp tương tự liên quan đến việc thiếu tên đường.

Theo GS Phan Huy Lê - Phó Chủ tịch Hội đồng đặt và đổi tên đường phố trên địa bàn TP Hà Nội: “Đây là vấn đề rất nhạy cảm. Cơ quan quản lý gặp phải không ít áp lực từ tư tưởng cục bộ của nhiều thôn làng và của nhiều dòng họ của các danh nhân. Thế nhưng, để xảy ra tình trạng người dân tự ý đặt tên đường thì rõ ràng chúng ta chưa đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống”.

Đến nay, Hà Nội đã đặt được hơn 900 tên phố, tên đường, nhưng, việc gọi tên cho các con phố vẫn đầy bất cập. Có những danh nhân có công với Kinh thành Thăng Long như Trương Hán Siêu nhưng tổng chiều dài tuyến phố chỉ... hơn 40m. Đặc biệt, sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, nhiều tuyến phố trùng tên nhưng cũng chưa thể đề ra biện pháp giải quyết. Trong khi đó, có những địa danh lớn, mang tính chất lan tỏa như Hoàng Sa, Trường Sa… thì lại chưa được chọn. Trong khi nhiều TP khác như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… đã nhạy bén hơn trong vấn đề này.

Rà soát tổng thể

Tại hội nghị, đại diện các nhà khoa học là GS Phan Huy Lê, đại diện Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Cục Di sản (Bộ VHTT&DL) đánh giá Hà Nội là địa phương tổ chức khoa học nhất công tác đặt và đổi tên đường phố, các công trình công cộng. Ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở VH&TT  cho rằng, không vì những việc làm được mà bằng lòng với những gì đang diễn ra. TS Phạm Quốc Quân - Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia cho rằng: “Hai năm trở lại đây, Hà Nội đã hạn chế được tình trạng danh nhân hóa tên phố, tên đường; tăng cường tên địa danh cổ. Tuy nhiên, tên địa danh ấy được sử dụng như thế nào, vào những con đường cụ thể nào thì chưa có nghiên cứu cụ thể…”. Đại diện quận Cầu Giấy đề xuất Hội đồng đặt và đổi tên đường phố TP Hà Nội, Sở VH&TT nghiên cứu bổ sung những tên sản vật đã được quốc gia công nhận như: Cốm Vòng, Sen Tây Hồ… vào ngân hàng đặt tên đường phố của Thủ đô. Điều này vừa tạo nét đặc sắc, vừa khiến người dân dễ nhớ, dễ tìm đường.

Lãnh đạo Sở VH&TT cho biết, Hà Nội sẽ sớm tiến hành tổng rà soát nghiên cứu lại tổng thể những tuyến phố đặt và chưa đặt, để từ đó đưa ra hiện trạng: Tên danh nhân được đặt như thế nào, phân bố các tuyến đường ra sao, địa danh cổ còn cần nghiên cứu những yếu tố gì… Tránh tình trạng nơi đâu có địa danh di tích là đặt tên cho tuyến phố, trong khi di tích chưa điển hình cả về giá trị lịch sử và yếu tố xếp hạng. Nhưng việc làm trước mắt sẽ là hội nghị bổ sung ngân hàng dữ liệu cho việc đặt và đổi tên đường phố, nhằm nâng cao chất lượng của việc làm này, theo tinh thần Hà Nội là Thủ đô của cả nước, nên các tên gọi được lựa chọn sẽ vừa đảm bảo yếu tố văn hóa hàng ngàn năm của Thăng Long - Hà Nội, vừa có tính lan tỏa với địa danh của nhiều vùng miền khác. Ngoài ra, Sở VH&TT sẽ tiếp tục tổ chức lấy ý kiến sau khi thực hiện giải thích một số tên danh nhân. Sau khi rút kinh nghiệm, ghi nhận những việc làm được, đơn vị sẽ nhân rộng mô hình giải thích tên gọi, thời điểm đặt tên, công trạng danh nhân trên nhiều tuyến phố.