Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo hiểm cái chân và “thông” cái đầu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - VPF đang chuẩn bị đưa ra một kế hoạch chưa từng có trong lịch sử - mua bảo hiểm cho các cầu thủ và trọng tài.

Đây là việc lẽ ra phải làm từ rất lâu, nhưng muộn còn hơn không, bởi nó sẽ góp phần hạn chế tối đa những thiệt hại cho cầu thủ và đội bóng khi có chấn thương trong thi đấu. Nhưng, ở một góc độ khác, giới chuyên môn cho rằng, vấn đề mấu chốt để giải quyết nạn bạo lực sân cỏ ở Việt Nam không phải là mua bảo hiểm, mà chính là “thông” cái đầu từ các nhà quản lý đến những người thi đấu trên sân.
Ảnh minh hoa
Ảnh minh hoa
Sau pha vào bóng thô bạo của hậu vệ Quế Ngọc Hải (SLNA) với tiền vệ Trần Anh Khoa (SHB Đà Nẵng), làng bóng đá Việt Nam không khỏi rúng động và cả bị động. Người ta lên án thái độ thi đấu tiêu cực của một tuyển thủ. Nhưng, cả VFF, hai đội bóng và Ngọc Hải đều không biết phải giải quyết thế nào với tình huống khó xử.

Đầu tiên là SHB Đà Nẵng, họ mất người, nhưng không muốn mất bạc tỷ để chữa chấn thương cho cầu thủ. Họ muốn bắt đền đối tượng đã gây ra chấn thương cho Anh Khoa. Đối tượng ở đây chính là CLB SLNA và cầu thủ Ngọc Hải. Tiếp đó, VFF cũng đứng trước tình huống khó xử. Họ phải ra án phạt vô tiền khoáng hậu là bắt cầu thủ phải đền chi phí chữa trị cho người bị hại, ở đây là Anh Khoa. Và cả SLNA nữa, họ tưởng chừng vô can, nhưng cũng không thể tránh việc liên đới trách nhiệm. Một mặt lãnh đạo đội bóng khẳng định mình không phải là đối tượng phải đền bù, nhưng mặt khác, họ sẽ khó xử nếu Ngọc Hải chẳng thể thu xếp tiền bạc để đền bù. Cuối cùng, quả bóng trách nhiệm được đá về phía Ngọc Hải - cầu thủ vẫn đang thuộc diện đào tạo trẻ của SLNA nên đương nhiên chẳng có tiền để đền bù.

Từ câu chuyện liên quan đến Ngọc Hải, người ta mới vỡ ra rằng, bóng đá Việt Nam nhiều năm qua đã bỏ quên một việc lẽ ra phải làm ngay lập tức, đó là mua bảo hiểm thân thể cho các cầu thủ. Khi ấy, nếu một cầu thủ bị chấn thương thì sẽ có hãng bảo hiểm lo liệu và chẳng có tình trạng một tuyển thủ quốc gia phải than trời vì không biết lấy tiền đâu để đền trong khi các đội bóng thì thỏa sức chỉ trích nhau chứ không chịu ngồi lại tìm giải pháp hóa giải mâu thuẫn. Bên cạnh đó, dư luận cũng đòi hỏi VFF cùng các đội bóng phải nhanh chóng ngồi lại với nhau nhằm thống nhất quy định về kỷ luật. Quy định ấy phải xuất phát từ thực tế và có tính khả thi, thay vì những điều khoản lạnh lùng đẩy người trong cuộc vào thế khó như trường hợp của Ngọc Hải.

Bảo hiểm thân thể chỉ là giải pháp để Ban tổ chức giải khắc phục hậu quả của những va chạm trên sân cỏ. Vấn đề mấu chốt ở đây là cần phải chặn đứng nguồn gốc của bạo lực sân cỏ. Các đội bóng phải có hình thức giáo dục cầu thủ để họ không vào sân với mục tiêu triệt hạ đồng nghiệp.

Con người mới là yếu tố quyết định mọi cuộc chơi. Sự lành mạnh, hấp dẫn của giải đấu phụ thuộc vào thái độ nhập cuộc của từng cầu thủ. Mà cầu thủ thì chịu ảnh hưởng từ ban lãnh đạo đội bóng và các HLV trưởng. Vì thế, sân cỏ chỉ bớt nóng khi người trong cuộc coi những trận đấu là cơ hội thể hiện trình độ chuyên môn chứ không phải là sàn đấu võ.