Bảo hiểm tàu cá ở Quảng Ngãi: Quy định “lệch pha”, ngư dân chịu thiệt

Nghiêm Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự “lệch pha” giữa giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá và giấy phép khai thác thủy sản được xem là nguyên nhân, dẫn đến việc đơn vị bảo hiểm từ chối bồi thường. Khi chưa rõ về trách nhiệm của cơ quan nào thì ngư dân vẫn là những người "lãnh đủ".

Giấy phép và đăng kiểm “vênh” nhau
Ông Võ Văn Lặt (thôn Thạnh Đức 2, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, vào ngày 3/11/2018, tàu cá của ông mang số hiệu QNg- 94069TS (công suất 330CV) hành nghề lưới kéo ở vùng biển Đà Nẵng thì gặp sự cố và bị chìm. Khi ông làm thủ tục yêu cầu bồi thường thì “té ngửa” vì bị đơn vị bảo hiểm từ chối với lý do: “Tàu cá hoạt động ngoài phạm vi theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
 Văn bản của Tổng công ty cổ phần Bảo Minh.
Theo văn bản phúc đáp 1059 ngày 17/6/2019 của Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh, vị trí tàu bị sự cố cách nơi trú ẩn gần nhất là đảo Lý Sơn 33,05 hải lý và cách bờ gần nhất thuộc tỉnh Quảng Ngãi là 46,27 hải lý. Tại thời điểm xảy ra sự cố, tàu QNg- 94069TS đã nằm ngoài vùng hoạt động cho phép của đăng kiểm quy định trên giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật của tàu. Do đó, bảo hiểm từ chối bồi thường liên quan sự cố tàu QNg – 94069TS.
 Ảnh minh họa
“Khi được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, giấy phép khai thác thủy sản của Chi cục thủy sản Quảng Ngãi không hề giải thích hay hướng dẫn cho ngư dân chúng tôi thế nào là Hạn chế I, Hạn chế II, Hạn chế III, đăng kiểm chỉ đánh dấu X vào mục Hạn chế III, ngư dân như chúng tôi không hiểu là hạn chế tầm hoạt động của tàu cá nào và không được hoạt động đánh bắt hải sản ở tọa độ nào trên vùng biển Việt Nam”, ông Lặt chia sẻ.
Nhiều điểm mâu thuẫn
Bức xúc, ông Lặt đã gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan liên quan và chỉ ra một số vấn đề bất cập. Đáng chú ý, theo công văn 435/CCTS ngày 30/9/2019 của Chi cục thủy sản Quảng Ngãi về đơn khiếu nại của ông Lặt: “Tàu được phân cấp hạn chế III nghĩa là chỉ được phép hoạt động ở vùng biển hở hạn chế cách xa bờ hoặc nơi trú ẩn không quá 20 hải lý”, trong khi đó, giấy phép khai thác thủy sản thì Chi cục lại cấp phép cho tàu ông Lặt hoạt động ở “vùng khơi”, tức vùng biển được giới hạn bởi tuyến lộng (đường cách bờ biển 24 hải lý) và ranh giới phía ngoài của vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
 Giấy phép khai thác của tàu cá do ông Võ Văn Lặt làm chủ.
“Như vậy, tàu tôi hoạt động trong vùng giấy phép khai thác thủy sản được cấp thì sai với vùng hoạt động được cấp trong giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá và ngược lại”, ông Lặt trình bày.
Theo ông Lặt, hiện tại theo ông tìm hiểu, có nhiều tàu được cấp Hạn chế III nhưng vẫn được nhà nước hỗ trợ nhiên liệu theo Quyết định số 48 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ, khai thác, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Căn cứ vào điểm này, tàu được cấp hạn chế III khai thác hải sản trên vùng biển xa là hợp lý và đúng quy định.
“Tôi chỉ mong có câu trả lời thỏa đáng từ phía cơ quan quản lý nhà nước để sau này, những trường hợp tương tự như tôi không còn bị lặp lại, không gây thiệt hại cho dân biển, trong khi chúng tôi chấp hành đúng quy định của nhà nước”, ông Lặt bày tỏ.
 Quy định ''vênh'' nhau đang làm khó nhiều ngư dân.
Qua tìm hiểu được biết, ngoài trường hợp của ông Lặt, ở Phổ Thạnh còn một số trường hợp khác cũng bị bảo hiểm từ chối chi trả vì lý do tương tự, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của ngư dân. Tuy nhiên các trường hợp kia thường là bị hỏng máy hoặc hư hỏng nhẹ, riêng trường hợp ông Lặt là nặng nhất, bị chìm tàu.
“Đây là những trường hợp bị sự cố rồi mới phát hiện, thực tế có thể còn nhiều trường hợp “vênh” giữa giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, giấy phép khai thác thủy sản”, ông Võ Thu – Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã Phổ Thạnh cho biết.