Bảo hiểm xã hội Hà Nội từng bước tạo đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 25 năm qua, nhờ chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong tất cả các khâu nghiệp vụ, giải quyết chế độ chính sách, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Hà Nội đã từng bước tạo đột phá, phục vụ người dân, DN tốt hơn. Việc ứng dụng CNTT đã đẩy nhanh tốc độ xử lý, minh bạch thông tin, tiết kiệm thời gian, chi phí, tạo thuận lợi tối đa cho các tổ chức, cá nhân tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Người dân làm thủ tục hành chính tại BHXH Hà Nội.
Chủ động áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, sáng kiến
Tại Phòng tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính (TTHC) của BHXH Hà Nội vào sáng 9/6, có rất ít người dân đến làm thủ tục. Theo cán bộ tiếp dân ở đây, phần lớn các thủ tục về BHXH, BHYT, BHTN đã được thực hiện qua hệ thống giao dịch hồ sơ điện tử, kết quả trả tại đơn vị qua hệ thống bưu chính. Vì vậy, số lần người dân đến cơ quan BHXH giảm mạnh. Người dân chỉ đến khi cần đối chiếu hồ sơ.
Giám đốc BHXH Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết, hiện, BHXH TP quản lý hơn 83.000 đơn vị, DN với số người tham gia BHXH bắt buộc là 1,749 triệu người; tham gia BHYT 7,1 triệu người (chiếm 88,2% dân số Hà Nội), chi trả lương hưu, trợ cấp hàng tháng cho hơn 560.000 người hưởng, ký hợp đồng khám chữa bệnh (KCB) BHYT với 196 cơ sở y tế, thanh toán KCB BHYT cho hơn 10 triệu lượt người, tiếp nhận và giải quyết 9,5 triệu hồ sơ/năm.
Trước thực tế đó, BHXH Hà Nội đã chủ động nghiên cứu, áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, sáng kiến trên nền tảng ứng dụng CNTT nhằm đẩy nhanh tốc độ xử lý, minh bạch thông tin, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các tổ chức, cá nhân tham gia BHXH, BHYT. Năm 2016, ứng dụng đầu tiên được triển khai là hệ thống thông tin giám định điện tử. Trong khi đó, BHXH TP được BHXH Việt Nam "chọn mặt gửi vàng", tiên phong ứng dụng các phần mềm "một cửa" điện tử, quản lý thu, giải quyết chế độ, chính sách và kế toán.
Nhờ đó, các đơn vị sử dụng lao động không phải đến cơ quan BHXH nộp hồ sơ về BHXH, BHYT mà chỉ cần gửi qua hệ thống điện tử, kết quả được trả qua hệ thống bưu chính. Phần mềm giải quyết chế độ chính sách giúp kiểm soát việc giải quyết chế độ hưu trí, thanh toán chế độ ốm đau, thai sản minh bạch, công bằng. Bởi phần mềm này được kết nối với hệ thống thông tin giám định điện tử nên có đủ thông tin KCB của người dân để thanh toán chế độ ốm đau, thai sản, tránh tình trạng lạm dụng quỹ ốm đau, thai sản.
Tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp
Không chỉ đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào giải quyết TTHC, BHXH TP còn chủ động chia sẻ, kết nối dữ liệu với các đơn vị ngoài ngành, đa dạng hoá hình thức và phương thức giao dịch, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và DN trong việc giao dịch, thụ hưởng chế độ BHXH, BHYT.
Nhờ ứng dụng hiệu quả CNTT, đến nay, 100% các TTHC có liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN tại các quận, huyện đều được tiếp nhận qua hệ thống điện tử "một cửa", giảm tỷ lệ hồ sơ thất lạc, theo dõi tiến độ giải quyết của từng hồ sơ, xác định trách nhiệm của từng cán bộ ở các khâu. 100% đơn vị, DN trên địa bàn TP được tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử, trong đó có 97% đơn vị đã tham gia. Cá nhân mất thẻ BHYT có thể đề nghị cấp lại qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc qua dịch vụ bưu chính…
Bên cạnh đó, BHXH TP mở "kênh" tiếp nhận và trả kết quả TTHC qua hệ thống bưu chính. Hiện nay, hầu hết các DN, đơn vị trên địa bàn đã sử dụng dịch vụ này do bảo đảm tính bảo mật và không thất lạc. Năm 2019, mô hình kết nối liên thông giữa hệ thống quản lý bưu phẩm của bưu điện với hệ thống tiếp nhận và trả kết quả “một cửa” điện tử của BHXH Hà Nội đã được BHXH Việt Nam triển khai trên toàn quốc.
Đặc biệt, BHXH TP là đơn vị duy nhất trong cả nước đã thực hiện liên thông TTHC về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi. Thông tin của trẻ mới sinh chỉ cần kê khai tại UBND xã, phường sẽ được chuyển tới cổng thông tin của bảo hiểm xã hội để cấp thẻ BHYT từ 2 - 3 ngày và trả kết quả tại UBND phường. Đến nay, 100% số trẻ sinh ra tại Hà Nội được đăng ký khai sinh, cấp thẻ BHYT theo hình thức này.
Giám đốc BHXH Hà Nội nhấn mạnh, nhờ áp dụng CNTT một cách đồng bộ, BHXH TP Hà Nội đã tạo đột phá trong phục vụ Nhân dân, DN. “Thời gian tới, BHXH Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ; liên thông, chia sẻ dữ liệu với các sở, ngành; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực BHXH. Trong mọi hoạt động, BHXH Hà Nội luôn lấy sự hài lòng của người dân, DN làm thước đo, tiêu chí đánh giá hiệu quả”- ông Hòa cho hay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần