Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội: Những “chìa khóa” giúp tạo niềm tin

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cải cách hành chính (CCHC), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) được coi là “chìa khóa” thành công cho việc quản lý bảo hiểm xã hội (BHXH) trong thời đại Cách mạng Công nghệ 4.0. Thấu hiểu điều này, BHXH Hà Nội đã không ngừng nỗ lực CCHC, mở rộng các dịch vụ giao dịch điện tử và chuyển phát hồ sơ qua bưu điện nhằm đem lại sự thuận tiện và lợi ích tối đa cho người tham gia. Nhờ đó, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn trong năm qua lên tới 94%.

Giao dịch tại bộ phận Một cửa của Bảo hiểm xã hội Hà Nội. Ảnh: Thu Vân
Hết cảnh chờ đợi

Trụ sở BHXH quận Hoàn Kiếm tại số 9D phố Hàm Long (Hoàn Kiếm, Hà Nội) khá chật hẹp. Cách đây vài năm, khi đến làm việc tại đây, chúng tôi phải rất vất vả mới len qua được những hàng xe máy đỗ kín trước cổng. Nhưng nay, trước cửa trụ sở BHXH quận đã thông thoáng hơn, do lượng người dân phải trực tiếp đến giao dịch đã giảm đi rõ rệt. Giờ đây, trên 90% số đơn vị sử dụng lao động đã thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, 100% việc tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính qua bưu điện. Phó Giám đốc BHXH Hoàn Kiếm Phạm Hồng Thanh chia sẻ, cách đây vài năm, bộ phận một cửa của đơn vị luôn trong tình trạng quá tải, bình quân mỗi ngày có khoảng 300 lượt người đến giao dịch. Nhờ CCHC, ứng dụng CNTT, từ năm 2016, BHXH quận đã tập trung mọi nguồn lực triển khai giao dịch điện tử bằng chữ ký số với các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn. Lượng người đến giao dịch trực tiếp hàng ngày giảm đi 3 lần.
Mục tiêu trọng tâm toàn ngành BHXH Việt Nam là đẩy mạnh CCHC, cốt yếu là ứng dụng CNTT, coi đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng. BHXH Hà Nội đã đi đầu trong cả nước trong nhiều lĩnh vực, như triển khai hệ thống thông tin giám định BHYT, vận hành hiệu quả các phần mềm quản lý hoạt động nghiệp vụ, hệ thống giao dịch điện tử nhằm xây dựng hệ thống BHXH hiện đại, chuyên nghiệp. Hy vọng thời gian tới, BHXH Hà Nội sẽ tiếp tục xác định việc ứng dụng CNTT và CCHC là đòn bẩy để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh
Giám đốc BHXH quận Nam Từ Liêm Lê Mạnh Quân chia sẻ, mục tiêu của BHXH quận là luôn nỗ lực làm hài lòng người dân, có vậy mới tạo được niềm tin, thúc đẩy người dân tham gia đóng bảo hiểm. Muốn làm được điều này, các cán bộ BHXH không chỉ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn phải có thái độ phục vụ tốt, niềm nở, nhất là có tấm lòng biết chia sẻ, cảm thông. “Giải quyết chế độ đúng hạn, đúng đủ quyền lợi cho các cá nhân, tổ chức là yếu tố đặt lên hàng đầu. Song trong nhiều trường hợp nhất định, khi họ cần gấp thì có thể linh động giúp họ được giải quyết xong sớm. Về phía cơ quan BHXH, anh em có thể vất vả hơn một chút nhưng đổi lại là sự nhiệt huyết sẽ được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao”- ông Quân cho hay.

Mới đây, chị Nguyễn Thị Lài (huyện Đan Phượng, Hà Nội) - nhân viên Công ty TNHH Phần mềm Kế toán thông minh có trụ sở tại quận Nam Từ Liêm dù đã nghỉ việc nhưng không được công ty trả lương, chốt và trả sổ BHXH. Sự việc kéo dài, chị Lài đã gửi đơn đến BHXH quận Nam Từ Liêm nhờ giúp đỡ. Sau khi tiếp nhận thông tin, BHXH quận đã yêu cầu chủ DN nhanh chóng hoàn thiện, nộp các giấy tờ liên quan để chốt sổ cho chị. Và chỉ một ngày sau khi công ty hoàn tất chuyển nộp hồ sơ thì chị Lài đã được cầm trong tay sổ BHXH của mình.

Kết nối để phát triển

Giám đốc BHXH Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết, công tác CCHC, ứng dụng CNTT luôn được toàn ngành chú trọng, lấy đó làm “bàn đạp” để hoàn thành các chỉ tiêu khác. “Riêng với lĩnh vực này, chúng tôi đã bố trí 34 viên chức làm đầu mối thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính, phát hiện những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính để báo cáo và đề nghị BHXH Việt Nam xem xét, sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp, hủy bỏ hoặc bãi bỏ. Bên cạnh đó, thường xuyên quan tâm, nâng cấp và hoàn chỉnh bộ phận tiếp nhận "một cửa", lắp đặt máy xếp hàng tự động, camera giám sát tại bộ phận một cửa đồng thời lắp đặt máy tra cứu các thủ tục hành chính bằng màn hình cảm ứng tại BHXH TP và 30 BHXH quận, huyện, thị xã. Đặc biệt, chúng tôi cử riêng một cán bộ đảm nhiệm tư vấn, giải đáp miễn phí cho người dân đến làm thủ tục. Toàn bộ quá trình giải quyết hồ sơ kết quả được đăng ký công khai trên cổng thông tin điện tử của BHXH TP để người dân tiện kiểm tra” - ông Hòa cho hay.

Hà Nội là TP có số đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng lớn nhất cả nước với gần 600.000 người. Từ nhiều năm nay, để tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng hưởng, BHXH TP đã phối hợp với Ngân hàng và Bưu điện TP để chi trả ngay tại địa bàn người dân sinh sống theo tiêu chí đúng người, đúng ngày, đúng mức hưởng. Nhờ sự phối hợp này, trong đợt lụt lịch sử cuối tháng 8/2018 tại huyện Chương Mỹ, cán bộ BHXH và Bưu điện huyện đã lội nước, đi xuồng tận những gia đình ngập nặng của hai xã “rốn lũ” Nam Phương Tiến và Tân Tiến để chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH cho môt số đối tượng.

Bên cạnh đó, BHXH Hà Nội đã phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Bắc Hà Nội thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử mức độ 4 về kê khai, đóng BHXH, BHYT đối với gần 500 DN. Qua đó, vừa tạo điều kiện cho DN vừa đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Đồng thời, tích cực phối hợp với Sở TT&TT để tuyên truyền, vận động, khuyến khích các tổ chức DN, cơ quan, đoàn thể chưa tham gia giao dịch hồ sơ điện tử sớm triển khai thực hiện, phấn đấu từ năm 2019, 100% DN tham gia giao dịch hồ sơ điện tử.
Nhìn về tương lai

Nhờ đẩy mạnh công tác cải cách TTHC, ứng dụng CNTT và sự nỗ lực cố gắng của toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức của BHXH TP đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tính đến hết tháng 11/2018, BHXH TP đã cấp được 100% mã số BHXH cho người tham gia BHXH, BHYT; hoàn thành 99,86% việc cập nhật dữ liệu quá trình tham gia BHXH, BHYT, BHTN của người lao động vào hệ thống phần mềm quản lý của ngành BHXH để bàn giao sổ BHXH đến người lao động nhằm tiến tới đến năm 2020 cấp xong thẻ BHXH, BHYT điện tử cho người tham gia BHXH, BHYT.

Đồng thời việc áp dụng giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT trên hệ thống thông tin giám định BHYT đã góp phần giúp cơ quan BHXH quản lý Quỹ BHYT, phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, kiểm soát chi phí của từng lượt khám, lượt điều trị và và đưa ra cảnh báo, giảm thanh toán các chi phí chưa hợp lý nhằm đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT cho người tham gia. Tính đến nay trên địa bàn TP đã có hơn 9,5 triệu lượt khám chữa bệnh với số tiền chi KCB BHYT là 14.799 tỷ đồng, trong đó có 10 bệnh nhân có chi phí cao nhất được quỹ chi trả hơn 17 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, BHXH TP Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện tốt đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các đơn vị trực thuộc. Đồng thời, tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác đào tạo cán bộ, nhất là ứng dụng CNTT để phục vụ công tác cải cách TTHC. Đẩy nhanh việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 để người dân, DN có thể giải quyết thủ tục hành chính, kê khai thu nộp BHXH, BHYT, BHTN qua hình thức giao dịch điện tử, mà không cần gặp trực tiếp cán bộ BHXH. Đối với những khâu, những lĩnh vực chưa cải cách được, thì phải lựa chọn, đào tạo bài bản đối với cán bộ trực tiếp giao dịch với người dân và đơn vị trong việc giải quyết thủ tục hành chính, bởi chỉ cần một vài trường hợp không tốt sẽ khiến cho uy tín, hình ảnh chung của BHXH TP nói riêng cũng như của toàn TP bị ảnh hưởng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần