Bảo lãnh tín dụng đối với Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tối đa lên tới 100%

Huyền Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là nội dung mới nhất của Quyết định 23/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 246/2006/QĐ-TTg ngày 27/10/2006 của trước đó về việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã và ban hành Quy chế hoạt động bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã (HTX).

Quyết định 23 đã bổ sung thêm hoạt động bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ
lãi suất sau đầu tư cho Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX bên cạnh hoạt động cho vay đầu tư như quy định hiện hành.
Bảo lãnh tối đa 100% giá trị khoản vay của quỹ hỗ trợ phát triển HTX
Theo Quy chế hoạt động bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, đối tượng được Quỹ cấp bảo lãnh tín dụng là các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật hiện hành, vay vốn trung hạn, dài hạn bằng đồng Việt Nam tại các tổ chức tín dụng (TCTD), có dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh; hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, địa bàn nông thôn (Dự án) và đáp ứng các điều kiện quy định.
 
Căn cứ quy định nêu trên, Hội đồng quản lý Quỹ ban hành danh mục cụ thể ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên trong từng thời kỳ được Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Quy chế này.
Tuy nhiên các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chỉ được Quỹ xem xét, cấp bảo lãnh tín dụng cho các dự án vay vốn tại TCTD khi đáp ứng 4 điều kiện: (1) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuộc đối tượng được bảo lãnh tín dụng; (2) Dự án vay vốn được Quỹ thẩm định và đánh giá là có hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay; (3) Có vốn chủ sở hữu tham gia trong quá trình thực hiện dự án tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư dự án; (4) Tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là chủ đầu tư dự án không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng.
Về phạm vi bảo lãnh tín dụng, Quỹ có thể cấp bảo lãnh tối đa 100% giá trị khoản vay của bên được bảo lãnh tại TCTD nhưng không vượt quá 80% tổng vốn đầu tư của dự án, không bao gồm vốn lưu động.
Bảo lãnh của Quỹ bao gồm nghĩa vụ trả nợ gốc, nợ lãi khoản vay của bên được bảo lãnh đối với TCTD. Cụ thể, nghĩa vụ trả nợ gốc là khoản nợ gốc đến kỳ hạn trả nợ theo hợp đồng tín dụng hoặc theo hợp đồng tín dụng điều chỉnh thuộc phạm vi bảo lãnh của bên bảo lãnh mà bên được bảo lãnh không thanh toán hoặc không thanh toán được hoặc thanh toán không đầy đủ theo nghĩa vụ nợ đã cam kết và khoản nợ này đủ điều kiện để bên bảo lãnh trả nợ thay.
Nghĩa vụ thanh toán nợ lãi của khoản vay là số lãi trong hạn phát sinh tương ứng với số nợ gốc theo hợp đồng tín dụng hoặc theo hợp đồng tín dụng điều chỉnh đã ký kết giữa bên nhận bảo lãnh và bên được bảo lãnh vay vốn thuộc phạm vi bảo lãnh và được bên bảo lãnh chấp thuận trả nợ thay.
Mức bảo lãnh tín dụng tối đa cho một khách hàng được bảo lãnh không vượt quá 15% vốn điều lệ thực có của Quỹ. Tổng mức bảo lãnh tín dụng của Quỹ cho các bên được bảo lãnh tối đa không vượt quá vốn điều lệ thực có của Quỹ. Đồng tiền sử dụng trong hợp đồng bảo lãnh tín dụng là đồng tiền Việt Nam (VND).
Các loại phí của hoạt động bảo lãnh tín dụng bao gồm: Phí thẩm định hồ sơ; Phí bảo lãnh tín dụng tính trên số tiền được bảo lãnh và thời hạn bảo lãnh.
Về Biện pháp đảm bảo cho hoạt động bảo lãnh vay vốn, Quy chế quy định, Quỹ và bên được bảo lãnh thỏa thuận sử dụng tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai của Dự án được bảo lãnh, hoặc tài sản của bên thứ 3 để thực hiện các biện pháp bảo đảm cho việc bảo lãnh vay vốn tại Quỹ theo quy định của pháp luật hiện hành. Trường hợp miễn tài sản bảo đảm, Giám đốc Quỹ phải trình Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ xem xét, quyết định đối với từng trường hợp cụ thể và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Hội đồng quản lý Quỹ ban hành quy chế quy định cụ thể về các trường hợp được miền tài sản bảo đảm.
Về phân loại nợ, Quỹ phải thực hiện phân loại nợ đối với các khoản đã trả nợ thay cho bên được bảo lãnh (khách hàng phải nhận nợ bắt buộc) theo quy định của NHNN Việt Nam đối với TCTD.
Về trách lập dự phòng rủi ro, Quy chế quy định Quỹ phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro vào chi phí bao gồm: Trích lập dự phòng rủi ro chung bằng 0,75%/năm tính trên số dư nợ TCTD cho khách hàng vay được Quỹ cam kết bảo lãnh tại thời điểm trích lập; Căn cứ kết quả phân loại nợ và kết quả thu chi tài chính hàng năm của Quỹ, Quỹ thực hiện trích lập dự phòng rủi ro cụ thể cho những khoản đã phải trả nợ thay cho bên được bảo lãnh, mức trích tối đa không quá số phải trích dự phòng rủi ro cụ thể theo quy định đối với TCTD.
Quy chế cũng quy định rõ về Hồ sơ đề nghị bảo lãnh tín dụng; Trình tự và thủ tục bảo lãnh tín dụng; Hợp đồng bảo lãnh tín dụng; Chứng thư bảo lãnh; Quyền và nghĩa vụ của bên bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh và bên được bảo lãnh; Thực hiện cam kết bảo lãnh…
Không hỗ trợ lãi suất đối với khoản nợ gốc quá hạn
Đối tượng được Quỹ hỗ trợ lãi suất sau đầu tư là các HTX, liên hiệp HTC thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật hiện hành, có dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh; hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, địa bàn nông thôn vay vốn từ TCTD theo quy định của pháp luật, đã trả nợ gốc đầy đủ cho các TCTD và đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Quỹ chế này.
Căn cứ quy định nêu trên, Hội đồng quản lý Quỹ ban hành danh mục cụ thể ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên trong từng thời kỳ được Quỹ hỗ trợ lãi suất sau đầu tư theo quy định tại Quy chế này.
Dự án được xác định thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất sau đầu tư tại thời điểm có quyết định phê duyệt dự án lần đầu cử cơ quan có thẩm quyền.
Các dự án không thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất sau đầu tư gồm: Dự án đã được hỗ trợ tài chính từ các chương trình mục tiêu, chương trình có nguồn từ ngân sách, các Quỹ có nguồn vốn hoạt động có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước (chi phí vay vốn) dưới mọi hình thức; Dự án thay đổi chủ đầu tư; Dự án vay vốn theo các chương trình mục tiêu sử dụng vốn nước ngoài của các TCTD.
Để được hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, Dự án phải đáp ứng các điều kiện: Thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất sau đầu tư theo quy định tại Quy chế này; Được Quỹ thẩm định và ký kết hợp đồng hỗ trợ lãi suất sau đầu tư theo quy định tại Quy chế hỗ trợ lãi suất sau đầu tư đã được Hội đông quản lý Quỹ phê duyệt; Dự án đầu tư đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và đã hoàn trả được nợ gốc đối với các TCTD theo quy định tại Quy chế này và hướng dẫn của Quỹ.
Quy chế cũng quy định rõ nguyên tắc xác định và cấp hỗ trợ lãi suất sau đầu tư. Theo đó, các HTX, liên hiệp HTX là chủ đầu tư các dự án chỉ được nhận hỗ trợ lãi suất sau đầu tư sau khi đã trả nợ vay vốn đầu tư (nợ gốc) cho TCTD được phép hoạt động tại Việt Nam. Căn cứ theo số nợ gốc thực trả của các HTX, liên hiệp HTX, Quỹ cấp hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các HTX, liên hiệp HTX tối đa mỗi quý một lần trong năm. Tổng mức hỗ trợ lãi suất sau đầu tư được tính trên tổng số nợ gốc thực trả, đúng hạn theo hợp đồng tín dụng đã ký với TCTD, nhưng không vượt quá 80% tổng vốn đầu tư ban đầu của dự án theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền (không bao gồm vốn lưu động).
Các HTX, liên hiệp HTX không được hỗ trợ lãi suất sau đầu tư đối với các khoản nợ gốc quá hạn, nợ trả trong thời gian gia hạn nợ. Đối với những khoản vay trả trước hạn, mức hỗ trợ lãi suất sau đầu tư được tính theo thời hạn thực vay của khoản vay đó.
Mức lãi suất hỗ trợ sau đầu tư tối đa của Quỹ bằng chênh lệch giữa lãi suất cho vay thương mại và lãi suất cho vay ưu đãi của Quỹ. Lãi suất cho vay thương mại được xác định trên cơ sở mức lãi suất cho vay thấp nhất trong khung lãi suất cho vay trung và dài hạn đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường của các NHTM nhà nước (nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ) và các NHTMCP (nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ) do NHNN Việt Nam công bố định kỳ.
Hội đồng quản lý Quỹ xem xét, ban hành Quyết định mức hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cụ thể trong từng thời kỳ, phù hợp với năng lực tài chính của Quỹ và mục tiêu hỗ trợ các HTX, liên hiệp HTX.