Nơi gặp gỡ của những người yêu di sản
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về việc đẩy mạnh "Dự án phần trưng bày Bảo tàng Hà Nội", BTHN đã triển khai kế hoạch tuyên truyền, vận động hiến tặng tài liệu, hiện vật rộng khắp tới các tầng lớp Nhân dân. Đồng thời, BTHN đã tổ chức các nhóm làm việc chủ động khảo sát, thu thập, tiếp nhận sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân tâm huyết, trách nhiệm với bảo tàng và di sản Thủ đô.Từ năm 2010 đến 2017, BTHN đã tiếp nhận hơn 5.000 hiện vật. Từ đầu năm 2018 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận, đưa về Bảo tàng gần 1.000 hiện vật trong tổng số 1.065 hiện vật còn thiếu so với thiết kế và đề cương kịch bản trưng bày. Trong số các cá nhân tặng hiện vật cho BTHN có thể kể đến ông Nguyễn Văn Tiệm (Thường Tín, Hà Nội) đã trao tặng bộ đồ hầu đồng (140 hiện vật) của đạo Mẫu được sử dụng từ thời ông ngoại. Hay ông Mầu Hoàng Thiết (Hoài Đức, Hà Nội), nguyên phóng viên báo Tiền Phong hiến tặng 100 bức ảnh chụp thời kháng chiến chống Mỹ của Nhân dân ta ở Hà Nội. GS Trương Quốc Bình (Huỳnh Thúc Kháng – Hà Nội) con trai của cụ Trương Ất (Ứng Hòa, Hà Nội) là một gia đình có truyền thống cách mạng tặng BTHN chiếc đài Vec 206 được mua theo tiêu chuẩn trong thời bao cấp.Theo Giám đốc BTHN Nguyễn Tiến Đà: “Những hiện vật tiếp nhận trong năm 2018 đúng với nội dung, kịch bản cho 7 chủ đề đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt. Nhờ đó, tránh được sự lúng túng trong việc có nhiều hiện vật nhưng không rõ chủ đề. Sau đợt tiếp nhận này, BTHN đã cơ bản đạt được nội dung hiện vật trưng bày”.Trong quá trình tiếp nhận hiện vật, BTHN vận động các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí. Đơn cử khi tiếp nhận cặp mỏ neo (2.000 tuổi) của ông Quách Văn Địch, BTHN đã vận động DN hỗ trợ một phần kinh phí trao cho chủ sở hữu và vận chuyển về bảo tàng. Hay như chiếc xe máy của nhạc sĩ Đỗ Lập (thực hiện hành trình đi qua 63 tỉnh, TP, thu thập 10.000 chữ ký về tình yêu biển đảo quê hương) hiến tặng cho BTHN, đơn vị đã kêu gọi một DN mua một chiếc xe máy mới cho ông.Dự kiến trưng bày trong tháng 10/2019Dự án trưng bày BTHN dự kiến sẽ hoàn thành vào dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/2019). “Khi đi vào trưng bày, BTHN sẽ có những đặc trưng riêng so với các Bảo tàng khác. Chúng tôi sẽ có 3 chủ đề với nhiều câu chuyện đậm đặc về phần lõi của Thủ đô Hà Nội. Đó là những câu chuyện về 36 phố phường, tín ngưỡng tôn giáo, làng nghề, phố nghề. Chúng ta sẽ có những khu trải nghiệm riêng dành cho trẻ em, có những tuyến tham quan riêng dành cho những người yêu thích khoa học” - ông Nguyễn Tiến Đà chia sẻ.Dự kiến, chuyên gia Việt Nam sẽ phối hợp với chuyên gia nước người hoàn thành thiết kế chi tiết và đưa vào thi công 4 chủ đề (trong số 7 chủ đề) trong 6 tháng đầu năm 2019. Trong thời gian tới, BTHN mong muốn tiếp tục đón nhận được những tấm lòng của các tổ chức, cá nhân hiến tặng hiện vật, tài liệu với mục đích ngày càng có nhiều hơn những hiện vật có giá trị, những câu chuyện ý nghĩa được chia sẻ, giới thiệu đến công chúng. Qua đó, BTHN thực sự là điểm đến của những trái tim yêu di sản, yêu Thủ đô ngàn năm văn hiến.