Những năm qua, với sự quan tâm của ngành nông nghiệp TP, sự quyết tâm của chính quyền và người dân Sen Chiểu, việc bảo tồn giống rau muống đặc sản này đã bước đầu đạt kết quả tích cực, mở ra hướng làm kinh tế cho người dân địa phương.
Khôi phục món rau đặc sản
Rau muống tiến Vua có nguồn gốc ở thôn Linh Chiểu, xã Sen Chiểu, huyện Phúc Thọ. Xưa kia, vùng đất cổ Sơn Tây có 4 đặc sản nổi tiếng là: rau muống Sen Chiểu, dơi Sài Sơn, cá chép Cấn Khánh và gà mía Đường Lâm. Những nông sản này là thức ngon, vật lạ được dân gian cung tiến dâng lên vua chúa thưởng thức. Rau muống tiến Vua có đặc trưng là ngọn và lá đều nhỏ, thân dài, đốt thưa nên trông rất non. Đặc biệt, khi xào hay luộc đều giữ được màu xanh, rau và nước không bị đỏ như rau muống thường. Khi ăn, rau có vị ngọt, giòn tự nhiên.
Thế nhưng, cùng với thời gian và sự đổi thay của môi trường sống, đã có thời gian, rau muống tiến Vua ở Sen Chiểu bị mai một dần hoặc bị pha tạp với các giống khác. Năm 2009, HTX Nông nghiệp Sen Chiểu đã triển khai dự án bảo tồn giống gốc rau muống tiến Vua với diện tích 2ha. Sau 2 năm tuyển chọn, khôi phục được giống gốc, HTX đã triển khai nhân rộng ra toàn địa bàn. Đến nay, diện tích rau muống tiến Vua do HTX quản lý, được cấp chứng nhận vùng sản xuất rau an toàn đạt 20ha. Ngoài ra, còn khoảng 10ha trồng tự phát trong các hộ dân. Từ thứ rau đặc sản này, một số hộ dân đã có thu nhập khá ổn định.
Ông Nguyễn Văn Sản, cụm 12, một trong những hộ trồng rau muống tiến Vua nhiều nhất ở Sen Chiểu cho biết, mỗi vụ rau thu hoạch được 3 - 4 lứa. Giá bán buôn mỗi mớ (khoảng 20 ngọn) là 2.000 - 2.500 đồng/mớ. "Tuy giá rau muống tiến Vua không quá đắt so rau muống thường nhưng tiêu thụ rất dễ, làm ra bao nhiêu bán hết từng đó. Thời điểm rau đắt có thể thu lãi 4 - 5 triệu đồng/sào/vụ" - ông Sản chia sẻ. Hiện nay, ngoài tiêu thụ rau của gia đình, ông Sản còn nhận thu gom thêm của bà con trong thôn để cung cấp rau cho các đơn vị quân đội, trường học đóng trên địa bàn.
Trăn trở xây dựng thương hiệu
Người dân Sen Chiểu luôn tự hào, rau muống tiến Vua có thể chế biến được nhiều món ăn ngon như luộc, xào, ăn sống, kho gừng, muối dưa, lẩu... Ông Nguyễn Ngọc Bạn - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Sen Chiểu cho biết, rau trồng một lần cho thu hoạch khoảng 8 tháng, nếu muốn ăn ngọn thì sau 3 - 4 lứa phá đi trồng lại. Điều đáng mừng là từ khi có dự án bảo tồn rau muống tiến Vua, người dân Sen Chiểu đã được hỗ trợ đào tạo, tập huấn kỹ thuật sản xuất rau an toàn, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học và đảm bảo thời gian cách ly sau khi phun thuốc.
Với hiệu quả sản xuất khá ổn định, nhiều hộ dân trên địa bàn xã mong muốn mở rộng diện tích trồng loại rau đặc sản này. Tuy nhiên, sản xuất rau cũng đang gặp một số khó khăn nhất định như nguồn nước phục vụ sản xuất đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải từ làm đậu và làm bún. Nếu không xử lý được vấn đề nguồn nước, chất lượng rau muống tiến Vua không thể đảm bảo.
Đặc biệt, chất lượng rau muống tiến Vua dù được dân gian truyền tụng, ca ngợi, song nhiều năm qua, địa phương vẫn chưa xây dựng được thương hiệu cho loại rau này. Điều này dẫn tới thực trạng thương lái trà trộn các loại rau khác với rau muống tiến Vua, ảnh hưởng đến uy tín của cả vùng sản xuất. Rõ ràng, để phát huy hơn nữa thế mạnh của thứ rau đặc sản có nguồn gen quý này, việc xây dựng một cách làm chuyên nghiệp, hiệu quả là rất cần thiết.
Ông Nguyễn Văn Sản, cụm 12, xã Sen Chiểu thu hoạch rau muống tiến Vua. Ảnh: Lâm Nguyễn
|