Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy: Sớm quy hoạch tổng thể

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 29/11, hội nghị lần thứ 3 Ủy ban Bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực sông Nhuệ - Đáy, đã diễn ra tại Nam Định, với sự tham dự của Bộ TN&MT cùng lãnh đạo 5 tỉnh, thành phố, để cùng bàn thảo, đưa ra những giải pháp thiết thực bảo vệ môi trường lưu vực 2 con sông này.

Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ - Đáy chủ trì hội nghị.
 
“Giải cứu” sông Nhuệ - Đáy chưa được như mục tiêu
 
Thời gian qua, các tỉnh, TP trong lưu vực sông Nhuệ - Đáy đã chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường lưu vực hai sông này. Trong đó, các địa phương đã xây dựng cơ chế, chính sách; triển khai các dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải đô thị, nước thải làng nghề, khu công nghiệp (KCN). Thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp công trình thủy lợi, nạo vét khơi thông dòng chảy; kiên quyết xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT...
 
Được đánh giá là có những chuyển biến, nhưng theo lãnh đạo Bộ TN&MT, kết quả vẫn chưa đạt được các mục tiêu theo Đề án tổng thể mà Chính phủ đặt ra. Ô nhiễm môi trường nước trên lưu vực sông vẫn gia tăng. Nguyên nhân còn do Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ - Đáy chưa thực sự kết nối các hoạt động BVMT của các bộ, ngành và địa phương, cũng như giữa các địa phương với nhau. Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác môi trường tại các địa phương còn thiếu và yếu về năng lực quản lý. Nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý, BVMT còn hạn chế, đặc biệt tại tỉnh Hòa Bình và Hà Nam.
 
Lãnh đạo các tỉnh, thành cũng cho rằng, tổng kinh phí thu từ thuế, phí BVMT chưa đủ để đầu tư cho các công trình xử lý môi trường. Các thành viên Ủy ban BVMT lưu vực sông hiện nay đều theo chế độ kiêm nhiệm, đồng thời đảm nhiệm nhiều trọng trách nên khó bố trí thời gian để chỉ đạo, điều hành các hoạt động BVMT tại lưu vực sông.
 
Phải huy động nhiều nguồn vốn 
 
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh, Hà Nội nói riêng và các tỉnh, TP trong lưu vực sông Nhuệ - Đáy đã cố gắng, nỗ lực rất nhiều trong việc bảo vệ môi trường lưu vực sông, nhưng hiệu quả đúng là chưa cao. Các địa phương vẫn còn thiếu bản quy hoạch tổng thể toàn bộ lưu vực sông làm cơ sở pháp lý cho công tác quản lý và triển khai các dự án tiêu thoát nước, xử lý nước thải. Bộ TN&MT nên sớm đẩy nhanh việc lập và phê duyệt quy hoạch tổng thể lưu vực hai con sông này. "Vấn đề làng nghề bám dọc theo các con sông cũng đang là vấn đề thách thức. Các bộ, ngành, địa phương cũng cần đề ra mô hình phát triển phù hợp và khả thi để giải quyết hài hòa giữa công tác BVMT với việc giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu người dân trong các làng nghề" - Phó Chủ tịch đề xuất.
 
Theo Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ  môi trường lưu vực sông Nhuệ sông - Đáy, các địa phương cần huy động các nguồn vốn để bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy. Tăng cường tuyên truyền, xây dựng cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch mang tính chất liên vùng, liên ngành; đa dạng hóa hình thức đầu tư để tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc như cải tạo, nạo vét lòng sông, khơi thông dòng chảy, thu gom xử lý nước thải, rác thải, khắc phục môi trường, cảnh quan. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm môi trường, đặc biệt là các làng nghề, KCN; nâng cao năng lực của Ủy ban. Ngoài ra, Bộ TN&MT khẩn trương lập quy hoạch BVMT lưu vực sông Nhuệ - Đáy trình Thủ tướng phê duyệt. 
 
Theo Chủ tịch  Nguyễn Thế Thảo, Chính phủ cần bố trí kinh phí và phân bổ nguồn vốn chương trình mục tiêu của T.Ư vào các dự án này. Các bộ, ngành cùng tập trung thực hiện các dự án của bộ, ngành mình trong lưu vực sông .
 
Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến nhận xét, đây là đề án có tính liên vùng, liên ngành. Do đó, để thành công cần có sự phối hợp liên ngành, liên địa phương một cách thống nhất và đồng bộ.
 
Thứ trưởng cho biết, Bộ TN&MT đang khẩn trương lập quy hoạch tổng thể toàn bộ lưu vực sông Nhuệ - Đáy, phấn đấu hoàn thành vào năm 2012. Đồng thời, trong năm 2012, Bộ cũng sẽ ban hành danh mục một số loại hình sản xuất bị hạn chế và bị cấm do gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.  
 
Lưu vực sông Nhuệ - Đáy có tổng diện tích gần 7.000km2, dân số trên 10 triệu người, giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển KT - XH của 5 tỉnh, TP: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Hòa Bình. Nhằm tăng cường công tác BVMT lưu vực sông theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã có 4/5 tỉnh, TP thành lập Ban chỉ đạo triển khai Đề án sông Nhuệ - Đáy tại địa phương.