Những năm gần đây, V-League chứng kiến nhiều vụ chuyển nhượng gây tranh cãi khi một số cầu thủ nhất quyết dứt áo đội bóng quê hương để đầu quân cho các CLB giàu có. Những tranh cãi đôi khi không được giải quyết ổn thỏa dẫn đến việc VFF phải đưa ra các hình thức kỷ luật rất nặng. Trường hợp tiền vệ Hoàng Danh Ngọc đơn phương chấm dứt hợp đồng với Nam Định để gia nhập Vissai Ninh Bình là một ví dụ điển hình.Nam Định là lò đào tạo hàng đầu khu vực phía Bắc và đã sản sinh ra không ít danh thủ. Nhưng những trường hợp như Danh Ngọc khiến đội bóng thành Nam không thể sử dụng những "sản phẩm" do chính tay mình chăm bẵm, đào tạo và dần đánh mất vị thế. Nhiều địa phương khác như: Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Tháp, Khánh Hòa... cũng từng phải chịu những đợt chảy máu tài năng khi các cầu thủ vừa chớm “đủ lông, đủ cánh” đã nhất quyết ra đi để tìm kiếm nguồn thu nhập hậu hĩnh. Khi "lúa non" bị người khác sử dụng, dĩ nhiên, CLB chủ quản sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Việc Nam Định rớt xuống hạng Nhì và chưa biết bao giờ mới có thể trở lại V-League, hay Đồng Tháp thường xuyên lận đận ở đấu trường đỉnh cao chính là những tấm gương có thể chỉ ra một cách dễ dàng.
Vì thế, việc cầu thủ trên 25 tuổi mới được phép "dứt áo ra đi" đang nhận được sự hoan nghênh của những đội bóng vốn quen cảnh bị "hớt tay trên". Quyết định này giảm bớt sự thiệt thòi cho các CLB giỏi đào tạo trẻ nhưng không đủ giàu để làm đại gia V-League. Họ sẽ được gặt "lúa" của mình, sử dụng nó trong một khoảng thời gian đủ để "gieo trồng" thêm những vụ lúa khác nhằm tránh khỏi tình trạng đói kém mùa giáp hạt.
Bên cạnh đó, quy định mới cũng giúp hạ nhiệt sự phát triển quá nóng của thị trường chuyển nhượng cầu thủ tại V-League trong những năm gần đây. Giá cầu thủ hay tiền lót tay đã cao quá thực tế rất nhiều, đặc biệt là với các cầu thủ trẻ triển vọng. Lẽ thường, tuổi trẻ mà có nhiều tiền quá mức sẽ sinh ra nhiều điều... Thế nên, đưa mọi thứ trở về thực tế đang là cách để BĐVN bảo vệ những "vựa lúa" của mình.