Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Không sát thực tế khó thực thi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (15/3) là Ngày Quyền của người tiêu dùng (NTD) Việt Nam, trên cả nước diễn ra nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến về ý nghĩa của ngày này.

Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm. 	Ảnh: Hoài Nam
Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm. Ảnh: Hoài Nam
Tuy nhiên, mặc dù các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh hoạt động bảo vệ NTD, nhưng do thiếu kinh phí, không đồng nhất các đầu mối là nguyên nhân khiến công tác bảo vệ NTD không sát với thực tế, chưa bền vững như mong muốn.

Vướng nhiều thứ

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, trong giai đoạn 2011 - 2013, số vụ việc khiếu nại của NTD gửi tới Bộ trung bình khoảng 300 vụ/năm nhưng giai đoạn 2013 - 2015 đã tăng lên gần 1.700 vụ/năm. Tuy nhiên, so sánh với vụ việc xâm phạm quyền lợi NTD diễn ra trên thực tế thì số vụ việc khiếu nại của NTD là quá nhỏ.
Hiện, nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD tại cả T.Ư, địa phương và các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi NTD còn nhiều hạn chế… Điều này dẫn đến việc giải quyết tranh chấp giữa NTD và tổ chức cá nhân kinh doanh chưa hiệu quả như mong muốn. Năm 2016, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch hành động bảo vệ quyền lợi người NTD thông qua việc tổ chức các hoạt động như: Mít tinh hưởng ứng Ngày Quyền của người NTD Việt Nam vào ngày 18/3, tổ chức tháng bán hàng vì người NTD, tuyên truyền phổ biến pháp luật về công tác bảo vệ quyền lợi người NTD, giải đáp thông tin pháp luật và các văn bản liên quan đến công tác này qua tổng đài 1081. UBND TP cũng đã chỉ đạo sở, ngành liên quan, UBND thị xã, quận, huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền lợi người NTD.
Nguyễn Ngọc Tuấn
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội

Muốn bảo vệ quyền lợi NTD sát sao hơn nữa đòi hỏi Bộ Công Thương hoàn thiện khung khổ pháp luật, hoàn thiện về tổ chức hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước, nâng cao năng lực cho các cơ quan thực thi, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tăng cường công tác thanh kiểm tra, hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức xã hội. Đối với UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư cần xây dựng văn bản hướng dẫn chỉ đạo về công tác bảo vệ quyền lợi người NTD trên địa bàn; bố trí nhân lực và tài chính để đảm bảo công tác bảo vệ quyền lợi người NTD.
Ông Trịnh Anh Tuấn
Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh

Thừa nhận công tác bảo vệ quyền lợi NTD chưa hiệu quả, ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, nguyên nhân chính là do công tác kiểm tra, xử lý những hành vi vi phạm đến quyền lợi NTD của các cơ quan quản lý Nhà nước chưa nghiêm; chưa chủ động giải quyết những bức xúc của NTD, chỉ khi quyền lợi NTD bị xâm hại thì lúc đó cơ quan có trách nhiệm mới vào cuộc xử lý.

Thực tế bảo vệ quyền lợi NTD thời gian qua cho thấy, nguyên nhân khiến các cơ quan chức năng chỉ vào cuộc khi NTD bị xâm hại là bởi nhiệm vụ này liên quan hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong khi nhân lực chuyên trách do ngành công thương quản lý không đủ đáp ứng yêu cầu. Tại Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) hiện chỉ có hơn 10 cán bộ chuyên trách về công tác này; Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng mới bố trí được một công chức; ở cấp quận, huyện hầu như chưa bố trí được nhân lực. Không chỉ có vậy, mạng lưới hội viên các Hội Bảo vệ quyền lợi NTD còn quá mỏng, chưa phát triển được nhiều hội viên, cộng tác viên tuyên truyền. Đồng thời, công tác quảng bá, giới thiệu hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD trên các phương tiện thông tin đại chúng và đưa ra những cảnh báo cho NTD quá thưa thớt… Điều này dẫn đến việc NTD khi bị vi phạm quyền lợi chưa biết ai là người giải quyết quyền lợi cho họ.

Kinh phí dành cho hoạt động này không nhiều cũng là nguyên nhân khiến việc bảo vệ quyền lợi NTD gặp nhiều khó khăn. “Hiện trên địa bàn cả nước chỉ có TP Hà Nội là điểm sáng cho công tác bảo vệ quyền lợi NTD, hàng năm dành khoảng 1 tỷ đồng (ngân sách và xã hội hóa) cho hoạt động này" - ông Hải cho biết.

Người tiêu dùng ngại khiếu kiện

Mặc dù mỗi năm có đến 70.000 - 90.000 vụ vi phạm quyền lợi NTD nhưng số vụ khiếu kiện không nhiều, vậy vì sao NTD lại ngại khiếu kiện khi quyền lợi của mình bị xâm hại, đây là câu hỏi mà NTD đặt ra với cơ quan quản lý Nhà nước.

Về vấn đề này, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng, do người Việt Nam có tâm lý ngại va chạm, nên đa số NTD chưa dám lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền còn nhiều hạn chế nên chính bản thân NTD cũng chưa hiểu hết luật và quyền lợi khi họ bị xâm phạm. “Hơn nữa, chính bản thân những người thực thi pháp luật chưa thực sự sát sao vào cuộc hoặc vào cuộc quá chậm trễ… khiến NTD thiếu niềm tin vào cơ quan, chính quyền” - ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh thừa nhận.

Tuy nhiên, thực tế lại có nhiều nguyên nhân khác cần kể đến. Đơn cử như quy định về việc miễn tạm ứng án phí khi khởi kiện chưa có hướng dẫn thực thi cụ thể nên thủ tục phức tạp, tốn thời gian, kinh phí... Ông Cao Xuân Quảng - Trưởng phòng Bảo vệ quyền lợi NTD (Cục Quản lý cạnh tranh) nêu rõ: Điều 43 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD quy định NTD khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình không phải nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án. Tuy nhiên, trong Điều 12 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án liệt kê những trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí, lệ phí Tòa án thì không bao gồm trường hợp NTD khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình… Điều này khiến NTD không muốn khởi kiện.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam cũng cho rằng: Một trong những nguyên nhân khiến việc giải quyết các khiếu nại của NTD không thành công là do NTD không đủ chứng cứ quyền lợi bị xâm hại hoặc đưa ra đòi hỏi đền bù quá mức.

Nhằm bảo vệ quyền lợi NTD, tại lễ công bố Ngày Quyền của người NTD Việt Nam (15/3), Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Nhận thức của xã hội về vai trò của công tác bảo vệ quyền của NTD còn hạn chế, hệ thống văn bản pháp luật còn bất cập, hoạt động của cơ quan tổ chức bảo vệ NTD hiệu quả chưa cao. Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể, hiệp hội bảo vệ quyền lợi NTD tăng cường bảo vệ quyền của NTD, coi đó là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Các bộ, ngành, địa phương cần xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương và các bộ, ngành đổi mới công tác truyền thông, cung cấp kịp thời, chính xác tới cộng đồng thông tin liên quan về bảo vệ quyền lợi NTD.