Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bất an ven sông Nhuệ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư của TP, tuyến đê dọc sông Nhuệ thuộc địa bàn...

Kinhtedothi - Những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư của TP, tuyến đê dọc sông Nhuệ thuộc địa bàn huyện Thường Tín thường xuyên được tu sửa, nâng cấp. Dù vậy, vẫn còn nhiều đoạn tuyến đê xung yếu có nguy cơ mất an toàn cao, nhất là khi mùa mưa bão đang tới gần.

Tuyến đê ngày càng xuống cấp

Đi dọc tuyến đê ven sông Nhuệ, đoạn từ cầu Đen đến đầu làng Liễu Nội, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, không khó để nhận thấy sự xuống cấp của mặt đê với nhiều vết nứt kéo dài. Trên đoạn đê dài chừng 350m, phần mái và chân đê hiện đang bị sạt lở ngày một nghiêm trọng. Ngoài đoạn đê nêu trên, đoạn từ cuối làng Liễu Nội đến trạm bơm Thiên Đông (huyện Thanh Oai), phần mái và cơ đê từ lâu không được bồi đắp, tu bổ, hiện đang bị dòng chảy xói sâu vào thân đê. Đặc biệt, dòng chảy con sông có nhiều khúc cong khiến dòng chủ lưu áp sát ngày một khoét sâu hơn vào cơ thân đê.
Một đoạn sông Nhuệ ở xã Khánh Hà.
Một đoạn sông Nhuệ ở xã Khánh Hà.
Cách xã Khánh Hà không xa, đoạn đê sông Nhuệ kết hợp giao thông chạy qua thôn Vĩnh Mộ, thuộc địa bàn xã Nguyễn Trãi (Thường Tín) nối với các địa phương lân cận, trung tâm hành chính huyện và đường vào di tích Chùa Đậu cũng đang đứng trước nhiều nguy cơ mất an toàn. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Trãi Dương Thanh Tĩnh cho biết, mùa mưa bão năm 2014, nước sông dâng cao, đồng thời với lượng nước ngầm và nước thải sinh hoạt của người dân đổ ra tạo thành mạch, kéo sạt lở thân đê nghiêm trọng. Hiện, mặt đường đê có nhiều đoạn bị gãy khúc, không đảm bảo an toàn cho việc lưu thông, đồng thời, gây tâm lý hoang mang cho người dân sinh sống trên địa bàn.

Mong mỏi dự án

Theo tìm hiểu của phóng viên, để đảm bảo công tác tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện, phía bờ hữu sông Nhuệ (đoạn đối diện từ trường THPT Lý Tử Tấn đến đình thôn Lộc Dư) và ở thượng lưu (đoạn từ nghĩa trang thôn Gia Khánh đến lối rẽ vào Chùa Đậu) được bố trí các trạm bơm tiêu với công suất lớn. Tuy nhiên, những trạm bơm này vô hình khiến tình trạng sạt lở trở nên nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân là bởi, việc bơm nước tiêu úng từ các trạm bơm này ra sông Nhuệ khiến dòng chảy tại các đoạn sông biến đổi mạnh, thúc vào bờ gây xói mòn chân đê.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Lưu Văn Phúc cho biết, khi thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp mặt đê sông Nhuệ, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành đóng cọc tre, quây phên nứa chống xói mòn, sạt lở thân đê tại một số điểm xung yếu. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Vì thế, để ổn định đời sống dân sinh về lâu dài, cũng như đảm bảo công tác phòng chống lụt bão năm 2015 và các năm tiếp theo, huyện Thường Tín kiến nghị TP cùng các ngành chức năng xem xét, cho xử lý cấp bách chống sạt lở đê tại các vị trí xung yếu nêu trên.