Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bắt bệnh ô nhiễm nguồn nước lưu vực sông Nhuệ – Đáy

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bộ TN&MT vừa công bố Atlas tài nguyên nước (Bản đồ tài nguyên nước) lưu vực sông Nhuệ - Đáy. Tài liệu này cung cấp toàn bộ số liệu liên quan đến tài nguyên nước và khí hậu lưu vực 2 con sông trên.

KTĐT -  Bộ TN&MT vừa công bố Atlas tài nguyên nước (Bản đồ tài nguyên nước) lưu vực sông Nhuệ - Đáy. Tài liệu này cung cấp toàn bộ số liệu liên quan đến tài nguyên nước và khí hậu lưu vực 2 con sông trên. Đây là sản phẩm của dự án "Quản lý chất lượng nước lưu vực sông Nhuệ - Đáy" được Cục quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cùng 5 tỉnh thuộc hệ thống sông xây dựng trong 3 năm (2007 - 2010).

 

Nước ô nhiễm đến đâu,tôm cá chết đến đó

Theo thống kê của Bộ TN&MT, hệ thống sông Nhuê - Đáy có 700 nguồn nước thải đổ vào với khối lượng 800.00m3/ngày. Chỉ riêng cụm làng nghề dệt nhuộm tập trung ven quận Hà Đông: lụa Vạn Phúc, Xí nghiệp Len, nhuộm in hoa Hà Đông. Sản phẩm chính là các mặt hàng từ tơ tằm sản xuất thủ công và bán thủ công, sản lượng hàng năm 2,5 triệu mét. Quy trình sản xuất sử dụng nhiều than đá, dầu mỡ, thuốc nhuộm, hóa chất và nước. Hằng ngày Vạn Phúc thải ra khoảng 1.000m3 nước thải, chứa các tạp chất tự nhiên tách ra từ vải sợi, chất bẩn, dầu, hợp chất chứa nitơ, péctin, hồ tinh bột, NaOH, H2SO4, HC… các loại thuốc nhuộm, hóa chất trơ. Khoảng 30% thuốc nhuộm và 85 - 90% hóa chất nằm lại trong nước thải chảy vào kênh mương và đổ trực tiếp ra sông Nhuệ.

Do sự phát triển nhanh chóng của các làng nghề, khu công nghiệp ở lưu vực sông Nhuệ - Đáy, hai con sông này đã ô nhiễm nặng. Kết quả khảo sát và quan trắc cho thấy, nguồn nước tại hai dòng sông trên không thể dùng để tưới tiêu cho nông nghiệp (không đạt tiêu chuẩn B1). Hàng chục kênh mương trên hệ thống sông này đã biến thành dòng nước chết, bốc mùi hôi tanh khó chịu. Nước ô nhiễm chảy đến đâu, cá tôm chết nổi đến đó, cây trồng cũng héo rũ. Sản lượng nuôi trồng thủy sản (đặc biệt là nuôi cá bè trên sông) trên hệ thống này đã bị giảm sút do vấn đề ô nhiễm nguồn nước mặt. Điển hình là các vụ cá lồng chết hàng loạt vào năm 2002, 2003, 2005.


Công khai hóa hiện trạngô nhiễm

Dự án được triển khai trên phạm vi 5 tỉnh, thành phố thuộc lưu vực sông Đáy - Nhuệ là Ninh Bình, Nam Định, Hòa Bình, Hà Nam và Hà Nội (bao gồm cả tỉnh Hà Tây cũ).

Ông Dave Hebblethwaite, Cố vấn Trưởng dự án cho biết, dự kiến 1 tháng nữa, dữ liệu của Atlas tài nguyên nước sẽ được chính thức đưa lên mạng internet. Khi đó, chỉ với một động tác nhấn nút chuột, người ta có thể biết được nước tại khu vực đang quan tâm bị ô nhiễm ở mức độ nào và khu công nghiệp nào đang ảnh hưởng tới sự ô nhiễm đó.

"Kết quả quan trọng nhất mà dự án đạt được là đem lại hiệu quả trong việc nâng cao năng lực của cán bộ Cục Quản lý Tài nguyên nước và các Sở TN&MT để làm việc cùng nhau với tư cách là các nhà quản lý lưu vực và tham gia vào xây dựng, thực hiện các công cụ quản lý tổng hợp tài nguyên nước mới trong tương lai..." - ông Dave Hebblethwaite nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT - Nguyễn Thái Lai, đây là lần đầu tiên Việt Nam có được bản đồ phục vụ cho công tác quản lý chất lượng nước mang đúng ý nghĩa dễ hiểu và dễ sử dụng. Điều quan trọng hơn qua sản phẩm công nghệ này, việc chia sẻ thông tin về tài nguyên nước trong lưu vực sẽ dễ dàng hơn và có thể nhân rộng sang các lưu vực khác trên cả nước. Thông qua phát triển năng lực này, dự án nhằm kiểm soát tốt hơn những vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng nhất đang ảnh hưởng đến cộng đồng ở lưu vực sông Đáy. "Công tác quản lý tài nguyên nước lưu vực sông này sẽ được bắt đúng bệnh và bốc đúng thuốc" - Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai khẳng định.

 

 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường sông Nhuệ - Đáy đến năm 2020, có 12 dự án ưu tiên với khoảng 3.335 tỷ đồng được huy động từ ngân sách. Một trong những mục tiêu cụ thể là đến năm 2010, các cơ sở sản, xuất kinh doanh đang hoạt động trên lưu vực sông phải xây dựng hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; bắt buộc 100% các cơ sở mới đầu tư xây dựng phải có các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường.