Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bất cập trong quản lý, buôn lậu vẫn khó kiểm soát

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là nhận định của các đại biểu đưa ra tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2017 của lực lượng quản lý thị trường do Bộ Công Thương tổ chức chiều 23/1.

Diễn biến phức tạp
Năm 2016, lực lượng quản lý thị trường (QLTT, Bộ Công Thương) đã tập trung chỉ đạo thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống, buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các DN sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, theo báo cáo, năm 2016 lực lượng QLTT phát hiện xử lý hơn 100.000 vụ vi phạm, tăng hơn 1.000 vụ so với năm 2015.
  Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh 
Riêng phân bón giả, số vụ vi phạm lên tới hơn 2.200 vụ, tăng 150% so với năm 2015. Số vụ buôn lậu gian lận về thuốc lá cũng lên tới hơn 8.400 vụ, tăng 16%... Đặc biệt, tình trạng vận chuyển buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp, chủ yếu là ở các mặt hàng có mức thuế nhập khẩu cao hoặc bị áp dụng hạn ngạch như rượu bia, thuốc lá, các mặt hàng tiêu dùng như bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm hàng may mặc… với những thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Nguyên nhân được các đại biểu đưa ra là do một số văn bản pháp luật bộc lộ những bất cập nhưng chưa được sửa đổi, dễ bị các đối tượng lợi dụng để buôn lậu, kinh doanh hàng giả kém chất lượng, cũng như công tác QLTT còn một số tồn tại, hạn chế…

Đại diện Chi cục QLTT tỉnh Tiền Giang cho rằng, các mặt hàng phục vụ sản xuất như phân bón, vật tư nông nghiệp giả… có diễn biến phức tạp. Hàng giả không đảm bảo chất lượng thường có mẫu mã, bao bì, kiểu dáng được thiết kế đẹp, tinh vi, rất khó phân biệt với hàng thật và gây thiệt hại lớn cho người sản xuất.

Trong khi đó, đại diện QLTT Lạng Sơn cho biết, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu vẫn là mang vác nhỏ lẻ hàng hóa theo các đường mòn, đường tránh qua biên giới. Trong khi đó, một số văn bản pháp luật đã bộc lộ những bất cập nhưng chưa được sửa đổi dẫn tới, các đối tượng lợi dụng để hợp thức hóa hoạt động buôn lậu, kinh doanh hàng giả kém chất lượng. ..

Xem xét trách nhiệm người đứng đầu

Biểu dương những kết quả đã đạt được của lực lượng QLTT, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, do sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa đồng bộ, dẫn đến công tác chống buôn lậu, hàng giả còn nhiều bất cập. Một số mặt hàng, địa bàn luôn là “điểm nóng” về hàng giả như đường, phân bón, thuốc lá… Thậm chí, hoạt động buôn lậu vẫn diễn ra công khai.

Do đó, Người đứng đầu Bộ Công Thương yêu cầu, lực lượng này cần thẳng thắn nhìn nhận mặt hạn chế, tồn tại không chỉ trong sản xuất kinh doanh mà liên quan đến nhiều vấn đề xã hội mới có thể đáp ứng với nhiệm vụ được giao.

Về triển khai nhiệm vụ trong năm 2017, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, chính sách, quy chuẩn để ngăn chặn các đối tượng lợi dụng kẽ hở để buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả. Đặc biệt, cần xác định rõ trọng tâm, trọng điểm chống buôn lậu, hàng giả cũng như làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan. “Phải có những kế hoạch cụ thể để đấu tranh chống buôn lậu, nhất là các mặt hàng trọng điểm, ở những khu vực trở thành điểm nóng một cách thường xuyên” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu.

Đồng thời Bộ trưởng cũng chỉ ra rằng, cần tiếp tục đào tạo lực lượng QLTT nâng cao chuyên môn, đi kèm nâng cao phẩm chất chính trị; cần phải tính đến xem xét trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu địa phương để xảy ra tình trạng buôn lậu, hàng giả tiếp tục hoành hành, công khai.