Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bắt đầu từ đảm bảo an toàn cho người đi bộ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo đánh giá của nhiều khách quốc tế khi đến du lịch, học tập tại Việt Nam, hạ tầng phục vụ người đi bộ tại các đô thị, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có quá nhiều bất cập.

Bất cập cả về cơ sở hạ tầng lẫn ý thức người đi bộ và người điều khiển các phương tiện tham gia giao thông. Những bất cập này nếu không sớm được khắc phục thì TNGT đối với người đi bộ sẽ ngày càng có chiều hướng gia tăng. 

 
 Hầm bộ hành dành cho người đi bộ tại Ngã Tư Sở. Ảnh: Yên Chi
Hầm bộ hành dành cho người đi bộ tại Ngã Tư Sở. Ảnh: Yên Chi

Thiếu và yếu

Theo quy chuẩn tại các đô thị, cơ sở hạ tầng phục vụ người đi bộ bao gồm hệ thống đường dành riêng cho người đi bộ, vỉa hè, vạch sang đường, cầu vượt, hầm chui, hệ thống chiếu sáng, thông tin tín hiệu hướng dẫn… Ở Việt Nam, tại các đô thị nói chung và nhất là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có lượng người đi bộ lớn song đường dành riêng lại thiếu, vỉa hè nhỏ hẹp, mấp mô, gồ ghề. Tính tiếp cận của các tuyến đường từ nhà đến các điểm giao thông công cộng còn chưa đồng bộ, cự ly xa. Đường trong ngõ, ngoài phố thiếu sự kết nối. Nhiều đoạn đường không có vỉa hè hoặc vỉa hè bị chiếm dụng làm kinh doanh, chỗ để xe… khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường.

Việc bố trí chỗ sang đường tại một số tuyến phố cũng bất hợp lý, nhiều vị trí muốn sang đường người dân phải vòng rất xa. Đấy là một trong những lý do khiến nhiều người bất chấp nguy hiểm sang đường tùy tiện hoặc trèo qua lan can, dải phân cách. Bên cạnh đó, cầu vượt, hầm đường bộ còn mất vệ sinh, hệ thống thoát nước, chiếu sáng kém, an ninh trật tự chưa đảm bảo, chỉ dẫn phức tạp khiến người dân e dè không tiếp cận. Nhiều chỗ sang đường trực tiếp không có hệ thống chiếu sáng, đèn tín hiệu hoặc có thì bị hỏng, mất tác dụng. Hệ thống biển báo hiệu cũng không được quan tâm, bị che khuất, gây khó cho người điều khiển phương tiện quan sát nhường đường cho người đi bộ.Bên cạnh đó, văn hóa tham gia giao thông của một bộ phận người dân nói chung còn rất thấp. Nhiều người điều khiển ô tô, xe máy chưa có ý thức nhường đường cho người đi bộ, thậm chí ở cả những nơi ưu tiên người đi bộ. Đặc biệt, nhiều vị trí sang đường được lắp đèn tín hiệu dành riêng cho người đi bộ nhưng các lái xe vẫn... ngó lơ. Việc các phương tiện không nhường đường đã tạo ra thói quen tùy tiện cho người đi bộ, không sang đường ở lối có đường dành riêng. Tất cả những lý do trên đã làm tăng nguy cơ xảy ra các vụ TNGT cho người đi bộ nói riêng và gây mất ATGT cho các loại phương tiện khác lưu thông trên đường.

Nâng chất lượng hạ tầng 

Để đảm bảo ATGT thì ý thức của người tham gia giao thông trong đó có người đi bộ cần phải thay đổi. Đặc biệt, phải nghiêm túc chấp hành luật giao thông. Vì vậy, tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức người tham gia giao thông là biện pháp đầu tiên. Tiếp đến là xử phạt nặng để mang tính chất răn đe đối với người đi bộ vi phạm luật, người điều khiển phương tiện không nhường đường cho người đi bộ. Cùng với đó, tập trung xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống vỉa hè giúp người đi bộ được thuận tiện. Khi thiết kế vỉa hè cần có thêm chức năng phục vụ người tàn tật. Thiết kế hợp lý vị trí sang đường. Tăng cường làm cầu vượt, hầm chui cho người đi bộ, đặc biệt ở những địa điểm có lượng người đi bộ lớn, những vị trí có lưu lượng các phương tiện cơ giới lớn và chạy với tốc độ cao. 

Tham khảo cách làm của một số quốc gia để nâng chất lượng, sự tương tác của công trình giao thông cho thấy, ở Nhật Bản, Trung Quốc, nhiều tuyến hầm đường bộ không chỉ đơn thuần phục vụ người đi bộ mà còn được bố trí các ki ốt, siêu thị bán đồ tiêu dùng, bán hàng lưu niệm. Với hình thức này, vừa đảm bảo được an ninh, vừa tạo nét đẹp văn hóa, điểm du lịch mới, phát huy hết công năng sử dụng của hầm đường bộ. Đôi khi việc đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh các tệ nạn tại các hầm đường bộ này còn được quản lý tốt và dễ dàng hơn khi quán triệt trách nhiệm cho các hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, việc sử dụng đèn led, loa cảnh báo cho người điều khiển phương tiện biết có người đi bộ qua đường như ở Nhật Bản cũng là một ý tưởng để vận dụng với giao thông Việt Nam. Cụ thể, có hệ thống loa phát tín hiệu âm thanh báo hiệu đang có người đi sang đường để các phương tiện lưu thông chú ý nhường đường. Hoặc kiểu đèn led cảm ứng, người đi bộ đi đến đâu, đèn sáng đến đó. Hình thức này sẽ phát huy tác dụng tốt với những đoạn đường không có vạch sang, cầu, hầm đường bộ và tại những nút tối, ít ánh sáng.