"Sóng ngầm" bán tháo
Việc công khai "vạch áo" cho người xem kinh doanh thua lỗ của nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS đang "nóng" lên từng ngày. Chiều 31/10, công ty Sài Gòn Mekong xác nhận giảm giá 500 căn hộ dự án An Tiến từ 18 triệu đồng/m2 xuống còn 14,5 triệu/m2.
Không giảm giá nhưng Ocean Group lại tung ra một chiêu khác để giải quyết bài toán vốn là trả lãi suất cao với những khách hàng thanh toán trước hạn. Theo đó, khách hàng mua căn hộ cao cấp StarCity Lê Văn Lương và trả tiền trước so với tiến độ trong thời gian từ 5/10 - 5/11 sẽ được hưởng mức lãi suất lên tới 22% một năm cho số tiền đóng trước cho đến khi bàn giao nhà (dự kiến tháng 9/2013).
Trên thị trường dự án là vậy, còn với những nhà đầu tư nhỏ lẻ, trào lưu "bán tháo" vốn âm ỉ từ lâu giờ lại có dịp bùng phát. Trên các trang web BĐS tại Hà Nội, các tin rao bán với giá thấp hơn giá gốc khoảng 50 - 100 triệu/đồng/căn hộ chung cư xuất hiện ngày càng nhiều.
Lý do để các công ty lớn cũng như các nhà đầu tư nhỏ lẻ tìm cách bán tháo BĐS chủ yếu là để trả nợ ngân hàng. Tuy nhiên, với tình hình thị trường ảm đạm hiện nay, đặc biệt, việc thắt chặt tín dụng đã khiến dân đầu cơ không còn đất sống, để bán được một căn hộ hoàn toàn không dễ.
Ngân hàng "nơm nớp"
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, đi cùng với trào lưu bán tháo BĐS là nỗi lo nợ xấu ngân hàng ngày càng gia tăng.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, dư nợ BĐS đến tháng 6/2011 khoảng 245.000 tỷ đồng, tương đương với 10% tổng dư nợ của nền kinh tế. Đáng chú ý là nợ thuộc nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) khoảng 40%.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cũng thừa nhận, tỷ lệ nợ xấu của của ngân hàng này đến cuối tháng 8/2011 là 6,67%. Số nợ xấu này chủ yếu nằm đọng ở một bộ phận tín dụng BĐS tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM, với những dự án đầu tư từ những năm 2008, 2009.
Theo chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành, với tình trạng BĐS bắt đầu bán tháo như một tuần trở lại đây, tình trạng nợ xấu BĐS chắc chắn sẽ không chỉ dừng lại ở những con số trên. "BĐS xì hơi, một số ngân hàng đứng trước tình trạng giải chấp cũng không được. Đây là hậu quả của một thời kỳ chúng ta cho vay BĐS quá nhiều và quá "thoáng""- ông Thành nói.
Về phía các ngân hàng, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, việc quản lý rủi ro đối với BĐS khá yếu kém. Hệ số rủi ro 250% cũng không ngăn ngừa được rủi ro này và việc định giá BĐS thấp với tỷ lệ 50 - 70% chỉ có tác dụng phòng ngừa nhất định trong điều kiện bình thường. Bởi vậy, để ngăn chặn tình trạng nợ xấu BĐS "lan" ra toàn hệ thống, việc trước tiên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần phải làm là tiến hành kiểm tra nghiêm túc và cụ thể việc cho vay lĩnh vực này tại các ngân hàng. Sau khi "khám sức khỏe" xong, NHNN cần nghiên cứu để có những hướng giải quyết phù hợp, khoanh vùng nợ để không dẫn tới đổ vỡ dây chuyền. "Về lâu dài, NHNN cần tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động cho vay BĐS ở các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thời gian trước có tăng trưởng dư nợ BĐS quá nhiều"- vị chuyên gia này nêu ý kiến.
"Thời gian qua, nhiều ngân hàng vẫn xem xét các khoản vay nội bộ cho các cổ đông lớn. Và chính các cổ đông này lại chính là chủ đầu tư các dự án BĐS. Cũng có tình trạng, các ngân hàng còn lập ra các công ty BĐS, rồi chính họ là chủ đầu tư của các dự án trong lĩnh vực này. Đây là một trong những rủi ro lớn nhất của nợ xấu BĐS tại các ngân hàng" Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành |